Căn cứ Bộ luật Lao động năm 2019, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 quy định về tuổi nghỉ hưu, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Tuy nhiên, do đặc thù công việc, đội ngũ giáo viên mầm non cần phải có sức khỏe, thể chất tốt để chăm sóc, nuôi dưỡng, trông giữ, dạy trẻ múa hát và phải tự làm các vật dụng trang trí… Giáo viên mầm non có độ tuổi từ 50 trở lên sức khỏe giảm sút, không còn nhanh nhẹn, chịu nhiều áp lực từ gia đình, nhà trường do đó sẽ khó đáp ứng được yêu cầu công việc. Cử tri kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét bổ sung nhóm giáo viên bậc học mầm non vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để nhóm lao động này có thể nghỉ hưu sớm so với quy định.
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ luật Lao động quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu. Những người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định trên.
Lao động của giáo viên mầm non có tính đặc thù. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ xem xét bổ sung giáo viên mầm non vào diện nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể nhóm giáo viên mầm non, giáo viên thể chất vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Thông báo số 01/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 1/1/2021).