Trong một báo cáo mới đây gửi NASA, một nhóm các nhà khoa học Mỹ mô tả các giải pháp cần áp dụng để phi hành gia không gây ô nhiễm cho Sao Hỏa khi “ghé thăm”. Điều quan trọng không kém là phi hành gia không mang theo chất ô nhiễm ngoài hành tinh khi quay về Trái đất.
“Tôi cho rằng, xác suất để đất đá sao Hỏa (với niên đại hàng triệu năm) chứa các dạng sống ở trạng thái hoạt động, có thể gây hại cho Trái đất, là rất nhỏ. Tuy nhiên, việc các mẫu vật thu thập từ sao Hỏa được NASA cho cách ly và đối xử như virus Ebola là rất cần thiết, cho tới khi chúng ta chứng minh được rằng chúng không gây hại” – nhà khoa học Scott Hubbard, đồng tác giả bản báo cáo gửi NASA, cho biết như vậy.
Hiện giờ, khi nhân loại ngày càng tiến đến gần việc thực hiện các chuyến bay có phi hành đoàn lên sao Hỏa, việc bảo vệ hành tinh (sao Hỏa và Trái đất) ngày càng trở nên quan trọng. Các tổ chức chính phủ và phi chính phủ buộc phải giám sát mọi hoạt động diễn ra trong không gian vũ trụ.
Nhà khoa học Hubbard đề xuất, các nhà khoa học cần kích hoạt “hệ thống làm sạch hóa học và khử trùng bằng nhiệt đối với quần áo bảo hộ của phi hành gia và tất cả các chất liệu được mang về Trái đất”. Đối với trường hợp sứ mệnh mang mẫu vật sao Hỏa về Trái đất (Martian Sample Return) trong khuôn khổ sáng kiến Xe tự hành Perseverance của NASA, các mẫu vật sẽ được khử khuẩn trong nhiệt độ đặc biệt cao.
“Đối với con người thì không thể thực hiện khử khuẩn như robot, vì thế cần chú ý nhiều đến các bộ quần áo vũ trụ của phi hành gia vì chúng có thể mang theo các vi sinh vật nguy hiểm tiềm tàng” – ông Hubbard nói.
Mặt trăng là một tiền lệ. Các yêu cầu liên quan đến cách ly đối với phi hành gia từ Chương trình Apollo nhanh chóng được dỡ bỏ trong những năm 70 thế kỷ trước, khi người ta thấy rằng Mặt trăng không phải là mối đe dọa. Tuy nhiên, sao Hỏa vẫn đang là “vùng đất chưa được biết đến”, vì vậy, cần phải đặc biệt thận trọng đối với mọi mẫu vật lấy từ hành tinh này.