Xe không chính chủ: Không lùi thời hạn phạt

Xe không chính chủ: Không lùi thời hạn phạt

(GD&TĐ) - Từ ngày 15/4, cả hai Thông tư 11 và 12 của Bộ Công an đồng thời có hiệu lực, nhưng theo 2 chiều hướng hoàn toàn khác nhau: chính thức xử phạt xe chưa sang tên đổi chủ và triển khai mở rộng các thủ tục sang tên đổi chủ cho người dân sang nhượng phương tiện. Liệu đây có phải là 2 chính sách “tréo ngoe” nhau theo kiểu “cây gậy và củ cà rốt”?

 2 lối đi cho cùng 1 vấn đề

Theo Thông tư 11/2013/TT-BCA ban hành ngày 1/2/2013 của Bộ Công an về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2/10/2010 và Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: Đối với xe không chính chủ, CSGT không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”; mà chỉ có thể thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự. Trường hợp phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xác minh, xác định rõ và xử phạt các trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên. Thời hạn triển khai được ấn định từ 15/4 tới.

Khi dư luận vẫn chưa hết băn khoăn về việc Bộ Công an vẫn quyết xử phạt xe không chính chủ, trong khi Bộ Giao thông vận tải lại phản đối, thì cuối tháng 3 vừa qua, Cục Cảnh sát Giao thông đường sắt, đường bộ (Bộ Công An) công bố tiếp Thông tư số 12/2013/TT-BCA của Bộ Công an, cũng ban hành ngày 1/3/2013 sửa đổi bổ sung khoản 3 Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 quy định về đăng ký xe. Cùng 1 ngày ký nhưng thời hạn công bố chênh nhau gần 2 tuần, cùng một vấn đề nhưng đi theo 2 hướng khác nhau: Nếu Thông tư 11 vẫn quyết xử phạt trường hợp vi phạm thì Thông tư 12 lại mở rộng đến mức cởi mở về các thủ tục giải quyết đăng ký xe đối với trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người, bắt đầu từ 15/4/2013 đến 31/12/2014.

Cả nước đang có hơn 10 triệu phương tiện giao thông không chính chủ. Ảnh: Như Nguyễn
Cả nước đang có hơn 10 triệu phương tiện giao thông không chính chủ. Ảnh: Như Nguyễn

Điều đáng chú ý là trước đây, để đăng ký sang tên xe sẽ được triển khai từng cấp: Lần theo đủ số người đã sang tay chiếc xe, từ người đứng tên đăng ký cho đến người đang sử dụng. Thông tư sửa đổi này đã loại bỏ các lớp sở hữu trung gian, giải quyết trực tiếp luôn từ người đứng tên đăng ký đến người đang sử dụng; nếu không có tranh chấp hoặc không có vướng mắc về luật pháp với chiếc xe, việc sang tên sẽ được giải quyết nhanh chóng. Sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo và niêm yết công khai, cơ quan đăng ký xe giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe

Truy trách nhiệm ở chủ phương tiện

Trao đổi bên lề cuộc họp công bố Thông tư 12 vừa qua, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông đường sắt - khẳng định việc xử phạt và tạo điều kiện là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Không phân tích các chi tiết, ông chỉ nói ngắn gọn: Để tình trạng xe không chính chủ tràn lan hiện nay là do lỗi của cả hệ thống chứ không riêng gì người dân. Mở rộng các điều kiện sang tên đổi chủ là giải pháp giúp người dân giải quyết các tồn đọng này, vừa khẳng định quyền sở hữu tài sản, vừa giúp ngành siết chặt công tác quản lý phương tiện. Nhưng nếu không song hành với việc triển khai xử phạt, nhiều người sẽ “quên” đi làm thủ tục chuyển đổi sở hữu, như thế, không biết đến bao giờ tình hình mới được giải quyết triệt để. Vị đại ta này cũng nhấn mạnh: Đối tượng bị xử phạt là chủ phương tiện chứ không phải người điều khiển phương tiện như dư luận vẫn lo lắng thời gian qua.

Điều này cũng đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh lại trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 3/2013 vừa diễn ra. Theo đó, Bộ Luật dân sự đã quy định các phương tiện giao thông là động sản bắt buộc phải đăng ký chủ sở hữu. Chưa kể phương tiện giao thông còn là nguồn gây ra các tai nạn liên quan đến tính mạng và tài sản của người dân. Thứ nữa, phương tiện giao thông còn có thể là phương tiện để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, theo người phát ngôn của Chính phủ, việc quản lý là cần thiết và bắt buộc.

Theo thống kê ông Vũ Đức Đam đưa ra, do rất nhiều các quy định bất cập trước đây cả nước đang có khoảng trên 10 triệu chiếc xe gắn máy không chính chủ. “Để giải quyết sang tên lại cho hết hàng chục triệu phương tiện này cũng phải có thời gian. Nhưng chúng ta cũng vẫn phải có chế tài và đặc biệt phải tuyên truyền để những phương tiện mới những lỗi mới này không tái phạm lại. Tuy vậy, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ vẫn là phải tạo điều kiện cho người dân chứ không được gây khó khăn, bởi thực trạng đã kéo dài nhiều năm và lỗi không hoàn toàn là ở phía người dân”, ông nhấn mạnh.

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ