Xây trường chuẩn quốc gia ở ĐBSCL: Không thể hoàn thành vào năm 2020

Xây trường chuẩn quốc gia ở ĐBSCL: Không thể hoàn thành vào năm 2020

(GD&TĐ) - Tiến tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành GD các tỉnh thành ĐBSCL thời gian qua đã tập trung đầu tư cho đội ngũ, cơ sở vật chất, trong đó ưu tiên xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (QG). Không dừng lại ở những kế hoạch, dự định, nhiều địa phương đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trường chuẩn QG với những đề án dài hơi. Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện đã có không ít những khó khăn, vướng mắc, có khi quá sức đối với tầm địa phương…

Nhiều khả năng không đạt lộ trình! 

Ông La Công Tâm - GĐ Sở GD&ĐT An Giang cho biết, theo lộ trình, phấn đấu đến năm 2020 tất cả trường các cấp đều đạt chuẩn QG. Tuy nhiên tính đến cuối học kỳ 1 năm học 2012-2013, kết quả có khoảng 7,33% trường học của tỉnh đạt chuẩn QG (58/791 trường). Nhìn chung việc triển khai xây dựng đề án đang gặp nhiều khó khăn do ngân sách địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu và nhiều khả năng là không đạt lộ trình đề ra... 

Để tăng tốc phát triển GD địa phương, từ năm 2010 UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt Đề án xây dựng trường đạt chuẩn QG giai đoạn 2010-2020. Đến nay sau gần 3 năm triển khai, số trường đạt chuẩn QG của tỉnh vẫn còn rất ít (trong đó cấp MN 5,1%, TH 8,2%, THCS 7,69%, THPT 12%). Đề án đưa ra mốc thời gian thực hiện là 10 năm, đã trải qua gần 1/3 thời gian nhưng An Giang vẫn còn nhiều việc phải làm và con số hơn 90% trường còn lại chưa đạt chuẩn là một thử thách lớn đòi hỏi ngành GD đau đầu tìm giải pháp.  

Xây trường chuẩn quốc gia ở ĐBSCL: Không thể hoàn thành vào năm 2020 ảnh 1
Vẫn cần kinh phí xây dựng phòng học chức năng và phòng bộ môn cho các trường tại An Giang

An Giang là một trong những địa phương mạnh dạn đầu tư xây dựng trường chuẩn QG ở ĐBSCL, từ năm 1997, Sở GD&ĐT đã đưa việc phấn đấu xây dựng trường học đạt chuẩn QG vào chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, nhưng tiến độ rất chậm, số trường đạt chuẩn được công nhận hàng năm còn ít. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu có 50% trường đạt chuẩn QG vào năm 2010, tuy nhiên mục tiêu này vẫn chưa đạt được. Năm 2010 tỉnh An Giang đã phê duyệt Đề án Xây dựng trường học đạt chuẩn QG giai đoạn 2010-2020, theo đó kinh phí để hoàn thành đề án này là hơn 3 ngàn tỉ đồng. 

Tại thời điểm tỉnh An Giang triển khai đề án xây trường chuẩn QG, năm 2010, số trường học trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn QG chỉ khoảng 4,8%. Một số trường có truyền thống giáo dục lâu đời, được đầu tư khá tốt điều kiện phục vụ giảng dạy nhưng vẫn không đủ chuẩn vì chưa đạt một vài tiêu chí bắt buộc, phần lớn là chưa đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất phục vụ, tiêu chí chất lượng, hiệu quả đào tạo…    

Gần 1/3 thời gian thực hiện Đề án xây dựng trường chuẩn QG, từ con số 4,8% nay con số này là 7,33%, vẫn còn quá “khiêm tốn”. 

Cần sự đầu tư dài hơi

Ông Hồ Việt Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, cái khó nhất của tỉnh là ngân sách đầu tư cho cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở vật chất đầu tư cho trường học đạt chuẩn QG. Và, mốc 2020 có thể lùi lại đến năm 2025 hoặc 2030 mới hoàn thành…

Xây trường chuẩn quốc gia ở ĐBSCL: Không thể hoàn thành vào năm 2020 ảnh 2
Trường THCS Mỹ Quý, (TP Long Xuyên, An Giang) chưa đạt chuẩn QG vì còn vướng tiêu chí diện tích xây dựng

Hiện nay ngân sách của trung ương và tỉnh còn nhiều khó khăn nên một số đề án đã phải tạm ngưng thi công như Đề án Kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho GV mới thi công đạt tỷ lệ 59,79%. Cơ sở vật chất dù được cải thiện đáng kể nhưng phần lớn các trường còn thiếu phòng chức năng và phòng bộ môn… “An Giang có dân số khoảng 2,2 triệu người với hơn 800 đơn vị trường học nhưng vốn chương trình mục tiêu QG giáo dục đào tạo được cấp cũng chỉ tương đương với các tỉnh lân cận trong vùng, trong khi các tỉnh có quy mô dân số và HS chỉ bằng một nửa hoặc bằng 2/3. Do đó nhiều năm kinh phí của ngành GD An Giang không đáp ứng yêu cầu phục vụ giảng dạy và phát triển của ngành…”, ông La Công Tâm cho biết thêm.

Thời gian qua ngành GD An Giang đã có nhiều nỗ lực, cơ sở vật chất trường học được đầu tư đáng kể nhưng nhìn chung chưa đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển (chủ yếu xây dựng phòng học, còn thiếu nhiều phòng chức năng, phòng bộ môn...). Khó nhất là một số trường còn thiếu diện tích theo quy định nhưng rất khó mở rộng, nhất là các trường ở khu vực nội ô thành phố, thị xã, thị trấn. Để đạt mục tiêu của đề án vào năm 2020, toàn tỉnh còn thiếu 620.809 m2 đất. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn QG của tỉnh trong thời gian qua. 

Tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường chuẩn QG, bên cạnh nguồn lực của địa phương tỉnh cũng rất cần sự hỗ trợ từ T.Ư. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của UBND tỉnh An Giang đã xác định mục tiêu nâng tỷ lệ trường THCS đạt chuẩn QG lên 9% và 20% số trường THPT đạt chuẩn. Theo đó năm 2013 sẽ phấn đấu có 72 trường học được xây dựng đạt chuẩn QG (có 17 trường mầm non, 36 trường tiểu học và 19 trường THPT), ước tính kinh phí thực hiện gần 497 tỉ đồng và 60 tỉ đồng để mua sắm thiết bị… Ông La Công Tâm kiến nghị trung ương hỗ trợ cho tỉnh 200 tỉ đồng (trung bình mỗi năm 20 tỉ đồng) để mua sắm thiết bị dạy học, trang bị cho các trường đạt chuẩn QG, phần 30 tỉ đồng còn lại địa phương sẽ lo...

Xây dựng và phát triển trường đạt chuẩn QG là một trong những mục tiêu và là nhiệm vụ cấp bách của An Giang nói riêng và các địa phương ở ĐBSCL nói chung. Hiện nay toàn vùng có 6.559 trường nhưng chỉ có hơn 720 trường đạt chuẩn QG, quá thấp so với tiềm năng và nhu cầu phát triển trong tương lai… Mỗi địa phương có thuận lợi và khó khăn đặc thù, rất cần sự chung tay các cấp, ngành không chỉ nguồn lực ở địa phương mà còn các nguồn lực từ trung ương. Từ đó có hệ thống trường chuẩn QG làm bàn đạp nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.