Xây trường chuẩn cho ai?

GD&TĐ - Câu chuyện Trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) “đẩy” gần 600 học sinh đi để đạt trường chuẩn quốc gia (TCQG) đặt ra câu hỏi trường chuẩn là để cho “ai đó”, chứ chắc chắn không phải vì học sinh.

Việc chuyển tuyến để đảm bảo số học sinh, số lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia của Trường Tiểu học Hoàng Liệt gây bức xúc. Ảnh: Website Trường TH Hoàng Liệt
Việc chuyển tuyến để đảm bảo số học sinh, số lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia của Trường Tiểu học Hoàng Liệt gây bức xúc. Ảnh: Website Trường TH Hoàng Liệt

Trường chuẩn để làm gì?

Kể từ năm 1997, Bộ GD&ĐT đã tổ chức kiểm tra và cấp bằng công nhận cho 4 trường học đầu tiên trong cả nước đạt TCQG. Giải pháp sáng tạo mang tên “Trường chuẩn quốc gia” là một chủ trương đổi mới giáo dục có tính đột phá và được khởi xướng từ giáo dục tiểu học. Có thể nói, giáo dục Việt Nam từ đây bước sang thời kỳ mới, thời kỳ chuẩn hóa, hiện đại hóa và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.

Đến nay, phong trào xây dựng TCQG trở thành cuộc vận động xã hội rộng lớn trong cả nước. Sức hút, sự lan tỏa của TCQG mạnh mẽ tới mức, trong tất cả ngành học, cấp học, từ mầm non tới phổ thông, đại học đều có quy chế kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận TCQG. Số trường học được các địa phương công nhận đạt chuẩn tăng theo từng năm. Có nơi 100% số trường ở địa phương đạt chuẩn cấp độ 1 và đang có kế hoạch xây dựng và triển khai TCQG cấp độ 2, 3, 4 với mức chất lượng giáo dục cao hơn, tiếp cận với trình độ phát triển của trường học ở các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Ông Hà Đình Sơn.

Ông Hà Đình Sơn.

Trường học đạt TCQG hội đủ được 5 tiêu chuẩn gốc về: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục.

5 tiêu chuẩn đã bao quát đầy đủ những điều kiện tối thiểu cho hoạt động giáo dục và cả yêu cầu về phẩm chất, phong cách sống tích cực của các thành viên trong trường nhằm tạo ra môi trường học đường lành mạnh, tiến bộ. Mỗi tiêu chuẩn có các tiêu chí, chủ yếu mang tính định lượng, giúp địa phương đo lường, thẩm định chất lượng nhà trường được dễ dàng, cụ thể. Ngoài ra, hai điểm nổi bật trong quy định TCQG là đề cao vai trò của chính quyền địa phương, cộng đồng và hoạt động xã hội hóa giáo dục trong quá trình xây dựng TCQG.

Trường học đạt TCQG được đầu tư về cơ sở vật chất theo đúng tiêu chuẩn của Nhà nước; môi trường sư phạm và cảnh quan nhà trường được cải thiện; khuôn viên nhà trường được mở rộng; các sân chơi bãi tập, thư viện, phòng chức năng… được xây dựng, hoàn thiện theo quy chuẩn; đội ngũ cán bộ, giáo viên được đầu tư, phát triển, nâng cao về số lượng, chất lượng và loại hình nhằm đáp ứng hiệu quả, nhu cầu giáo dục… Tất cả bao gồm các chuẩn “đầu vào” và “đầu ra” của một quá trình giáo dục.

Kiểm tra, công nhận TCQG mang mục đích giáo dục, nhân văn sâu sắc. Đó là nhằm khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện bảo đảm cho trường học không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, ngang tầm thế giới. Cũng cần lưu ý rằng, cùng với xây dựng TCQG, việc xây dựng Trường học hạnh phúc là giải pháp mới nhằm làm hoàn thiện, cân bằng và hiện đại hơn cho TCQG.

Trường chuẩn cho ai?

Tư tưởng “lấy học sinh làm trung tâm” ngày càng thể hiện rõ hơn trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Quan điểm này cũng phù hợp với xu thế của giáo dục hiện đại.

Tuy nhiên, câu chuyện tại Trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) rõ ràng là không vì học sinh, nếu không nói là thiếu minh bạch, thiếu dân chủ và biểu hiện của bệnh thành tích. Theo Luật Giáo dục và Điều lệ nhà trường, học sinh có quyền học tập ở bất cứ đâu thuộc nơi cư trú.

Do đó, để chuyển gần 600 học sinh đi trường khác, nhà trường phải mở một cuộc vận động rộng rãi, phân tích ý nghĩa mục đích của TCQG; cuối cùng là học sinh chuyển trường hay ở lại thì đều hài lòng, được bảo đảm quyền và có sự đồng ý của cha mẹ các em. Việc này cũng liên quan tới tổ chức, điều hành nhà trường sau đó. Bởi khi một số lớn học sinh chuyển trường thì số giáo viên thừa ra làm cách nào để giảm biên? Việc tổ chức đưa đón học sinh; nhất là trường hợp cùng một gia đình, giờ con em họ lại phải học hai trường khác nhau?...

Đồng ý là giảm sĩ số học sinh, giảm số lớp để tập trung xây dựng trước những trường đã đạt cận TCQG, nhưng phải có lộ trình phù hợp. Ví dụ, năm đầu thực hiện giảm sĩ số tuyển sinh vào lớp 1, như vậy sau 5 năm tất cả khối lớp trong trường đều đạt chuẩn về sĩ số và số lớp học.

Tôi đã từng đi nhiều địa phương trong cả nước để kiểm tra và công nhận TCQG, trước khi Bộ GD&ĐT giao về các tỉnh, TP tự công nhận TCQG như hiện nay. Thực tế cho thấy, bệnh thành tích và áp lực của thi đua TCQG đã nảy sinh từ nhiều năm trước, ở nhiều địa phương và cơ sở giáo dục.

Ví dụ, ở các vùng cao có một điểm chính nhưng lại có nhiều điểm lẻ, thay vì quan tâm tới điều kiện và chất lượng cho học sinh khó khăn ở điểm lẻ, các địa phương lại tập trung nguồn lực cho điểm chính và khi Bộ GD&ĐT tới kiểm tra, địa phương đề nghị chỉ kiểm tra điểm chính, vì điểm lẻ xa và đoàn khó có thể tiếp cận. Cách làm này tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, cũng như một bộ phận học sinh không được thừa hưởng thành quả tốt đẹp của TCQG.

Giáo dục Thủ đô hiện nay đang bị sức ép đáng kể về xây dựng TCQG, có tới trên 20% số trường trong toàn thành phố chưa đạt TCQG, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng giáo dục thời kỳ đổi mới. Đa phần các trường ở TP lớn đang gặp thách thức, rất khó khăn đạt TCQG do thiếu chuẩn về cơ sở vật chất và quy mô trường lớp. Thực tế này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với sự đầu tư thỏa đáng kinh phí cho trung hạn mới có thể sớm đạt được mục tiêu 100% TCQG.

Ông Đặng Tự Ân (giữa ảnh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông thăm Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS-THPT huyện Bát Xát, Lào Cai - đơn vị trường đạt chuẩn quốc gia đã hơn 10 năm.

Ông Đặng Tự Ân (giữa ảnh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông thăm Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS-THPT huyện Bát Xát, Lào Cai - đơn vị trường đạt chuẩn quốc gia đã hơn 10 năm.

Không thể theo kiểu “ăn xổi ở thì”

Nhà trường ngày nay muốn chuyển đổi theo hướng tích cực cần đồng thời bảo đảm chất lượng cả 5 thành tố của tổ chức, gồm: Tầm nhìn - kế hoạch - nguồn lực - kỹ năng - khích lệ động viên. Nếu thiếu tầm nhìn, nhà trường sẽ hoang mang không biết hướng đi về đâu. Nếu thiếu kế hoạch, nhà trường khi triển khai sẽ thất bại ngay từ đầu. Thiếu nguồn lực, nhất là con người, nhà trường đổi mới sẽ không ra sao, chưa nói là thất bại. Còn thiếu kỹ năng, nhà trường khi đổi mới sẽ gặp lúng túng và hiệu quả thấp. Và thiếu khích lệ, động viên đội ngũ, sự đổi mới của nhà trường sẽ diễn ra chậm chạp, từ từ.

Soi chiếu điều này sang một ví dụ là Trường Tiểu học Hoàng Liệt, rõ ràng sự đổi mới cơ chế quản lý của nhà trường có hạn chế, hoặc hiệu lực quản lý ít có hiệu quả. Trước hết, hiệu trưởng chưa xác định được tầm nhìn của trường mình một cách tường minh và có thể đạt được ở tương lai. Xây dựng TCQG phải có trong tầm nhìn nhà trường, phải coi đây là giá trị cốt lõi của mỗi cơ sở giáo dục.

Tuyên bố tầm nhìn TCQG thực chất là giấc mơ của hiệu trưởng và toàn trường về tương lai với kỳ vọng lớn lao và cùng lan tỏa cảm hứng. Chúng ta không thể vì sức ép của chính quyền các cấp mà bỏ qua quãng thời gian để chiêm nghiệm, động não xây dựng mục tiêu TCQG, để rồi đưa vào tầm nhìn cho toàn trường. Dẫn đến nhà trường nóng lòng hành động để cụ thể hóa tầm nhìn và mong sớm đưa giấc mơ thành hiện thực.

Vấn đề thứ hai là chưa gia công sức mạnh tập thể để đưa ra kế hoạch TCQG lồng ghép vào kế hoạch phát triển chung của nhà trường. Trong kế hoạch TCQG phải làm rõ mục tiêu, nội dung hoạt động các phương thức triển khai cũng như kết quả mong đợi cho từng chuẩn và từng tiêu chí của TCQG. Yêu cầu của kế hoạch cần: Cụ thể - đo được - có thể đạt được - định hướng kết quả - và ấn định được thời gian hợp lý. Quá trình xây dựng TCQG phải là kế hoạch trung hạn hoặc dài hạn mà không thể theo kiểu “ăn xổi ở thì”, năm này đề ra chủ trương năm sau nhận bằng công nhận TCQG.

Cả hai thành tố “tầm nhìn” và “kế hoạch” khi xây dựng TCQG nhà trường đã coi nhẹ, nếu chưa nói là chưa làm, dẫn đến triển khai TCQG bị thất bại, để lại hậu quả xấu trong dư luận xã hội. Đây là bài học đắt giá không chỉ cho Trường Tiểu học Hoàng Liệt, mà còn cho các trường học khác trong toàn quốc.

Rất đáng tiếc, những cơ sở lý luận về đổi mới cơ chế quản lý nhà trường nêu trên đã được Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam tập huấn cho các hiệu trưởng quận Hoàng Mai cách đây chỉ vài tháng. Chúng tôi hiểu, hiệu trưởng chưa “thuộc bài”, chưa biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo những điều đã học vào công tác quản lý nhà trường của mình, trong đó có xây dựng TCQG.

Cơ chế tổ chức và hoạt động nhà trường đổi mới hiện nay là chuyển sang hướng quản trị tổ chức. Nghĩa là đề cao tính dân chủ, tự chủ, minh bạch và giải trình, đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa trong quá trình tổ chức và vận hành nhà trường. Phải chăng chúng ta còn thiếu dân chủ trong Hội đồng trường, khiến tập thể sư phạm không được bàn bạc kỹ lưỡng trước khi hiệu trưởng ra thông báo chuyển học sinh ra ngay khỏi trường. Cha mẹ học sinh và chính học sinh chắc chắn không được hỏi ý kiến hoặc giải thích thấu đáo, trực tiếp của chính quyền cấp phường và cấp quận ở Hoàng Mai.

Xây dựng trường chuẩn là nhiệm vụ của chính quyền địa phương nên phải có sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà không chỉ riêng ngành Giáo dục. Phòng GD&ĐT, các trường tiểu học, trường THCS phải nắm vững kiến thức cơ bản về khoa học giáo dục thực tiễn, cũng như các quy định về chuyên môn và quản lý nhà trường của Bộ GD&ĐT, từ đó biết tham mưu trúng và đúng để xây dựng TCQG.

Xây dựng TCQG nhằm mục tiêu cao nhất là học sinh có được môi trường giáo dục lành mạnh và điều kiện giáo dục tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thời kỳ đổi mới, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Tuy nhiên, không thể vì tấm biển “Trường chuẩn quốc gia” mà quên đi quyền lợi của học sinh. Không vì danh hiệu “Trường chuẩn” mà có những cách ứng xử dưới chuẩn và chạy theo thành tích, tạo áp lực lên học sinh, giáo viên và gây ra bất bình trong cộng đồng, xã hội.

“Xây dựng TCQG với mục tiêu đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ tốt nhất hoạt động giáo dục, hướng đến người học. Vì trường chuẩn mà nhiều học sinh mất chỗ học, bị đẩy đi thì lên chuẩn ích chi? Tôi cho rằng, trước khi hướng đến chuẩn về hình tướng (cái vỏ vật chất), thì trước tiên, giáo dục phải chuẩn hóa về giá trị bên trong. Do đó, tôi không đồng tình với cách xử lý của Trường Tiểu học Hoàng Liệt và cấp quản lý giáo dục trong việc vì mục tiêu lên chuẩn mà đẩy học sinh ra khỏi trường.

Trách nhiệm trong chuyện này, trước tiên phải là nhà trường mà đứng đầu là hiệu trưởng trong công tác tham mưu xây dựng trường chuẩn. Trên thực tế, có nhiều cách để giải quyết vấn đề, chứ đâu có cách cực đoan “đuổi” học sinh ra khỏi trường như vậy. Nhà trường cần chủ động tham mưu cấp quản lý nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất trường lớp; cũng có thể tạm thời chưa nhận mục tiêu TCQG; khi nào đáp ứng đủ tiêu chí thì mới nhận. Hoặc nhà trường có định hướng không nhận thêm số lượng học sinh ngay từ đầu, không nhận thêm số lượng bên ngoài chỉ tiêu, không nhận trái tuyến... Nhà trường cũng có thể có văn bản đề nghị hội đồng thẩm định cho nợ và khắc phục dần trong thời gian tới… Nói chung, có nhiều cách, nhưng chắc chắn không thể là cách đẩy học sinh ra khỏi nhà trường”. - Ông Hà Đình Sơn, phụ huynh học sinh tại huyện Yên Dũng, Bắc Giang (Hải Bình ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.