Xây dựng văn hoá học đường phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh điều này tại Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” chiều 22/8. Hội nghị do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 64 điểm cầu trong cả nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo, chuyên viên, giáo viên thuộc các sở GD&ĐT.

Chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng văn hoá học đường

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí, ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

Văn hoá nói chung và văn hoá học đường nói riêng là vấn đề luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo.

Trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thành tựu tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, về vị trí vai trò của văn hóa, về phương hướng mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới được thể hiện tập trung trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc) và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước).

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Văn hoá là một trong bốn trụ cột của quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam”, trong đó “lấy nhân tố con người làm trung tâm”.

Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ đã tác động toàn diện, mạnh mẽ đến sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có giáo dục và đào tạo.

Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng văn hoá học đường thời gian qua đã được khẳng định rất rõ trong nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.

Bộ trưởng khẳng định: Đây là những quyết định quan trọng nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Các đại biểu tham dự Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Phát triển con người phải được quán xuyến trong các hoạt động của nhà trường

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường.

Ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử căn bản trong học đường một cách lâu dài. Đặc biệt, ngày 1/6/2022, Bộ GDĐT đã đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Chỉ thị là cơ sở, căn cứ tạo ra để những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.

Tiếp theo thành công của Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, một số hội nghị, hội thảo và các hoạt động của Bộ GD&ĐT, cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức xoay quanh chủ đề văn hóa học đường, Hội nghị hôm nay sẽ tập trung trao đổi, bàn luận về những giải pháp nhằm tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường; triển khai hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg trong việc tăng cường công tác xây dựng văn hoá học đường, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu tình hình và nhiệm vụ mới.

Xây dựng văn hoá học đường phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục ảnh 2

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị.

Nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao

Để xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và giá trị văn hóa Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho toàn xã hội, cho mỗi bộ ngành, cơ quan trung ương nói chung và Bộ GD&ĐT nói riêng.

Trong đó, xây dựng văn hoá học đường để rèn luyện nhân cách, lối sống và giáo dục học sinh, sinh viên trở thành những công dân phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức với gia đình, bản thân và cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao.

Xuất phát từ chủ trương nêu trên, ngày 1/6/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Đây là kết quả trực tiếp từ Hội thảo giáo dục năm 2021 về văn hoá học đường trong bối cảnh đổi mới GD&ĐT do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 11/2021.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Chỉ thị này đã và đang được triển khai đồng thời cùng với Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”; Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”; Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 2/10/ 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2030” và một số QĐ liên quan khác.

Ảnh minh họa/ Internet

Ảnh minh họa/ Internet

Đó là những quyết định quan trọng nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chỉ thị 08 đã khẳng định: Văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.

Trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội quan tâm.

Công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Chỉ thị 08 cũng nhận định rõ những tồn tại trong công tác này, đó là: Thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường.

Ở một số địa phương, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, thường xuyên; việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn bất cập, thiếu hấp dẫn.

Từ việc nhận định những hạn chế, tồn tại về công tác văn hóa học đường, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành Trung ương và Chính quyền các địa phương.

Trong yêu cầu đặt ra tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể và nhiều nhất cho UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với 8 nhiệm vụ chi tiết; tiếp đó là Bộ GD&ĐT với 7 nhiệm vụ chi tiết.

Chỉ thị của Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.