Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh từ xây dựng văn hóa học đường

GD&TĐ - Văn hóa học đường là môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách, giáo dục thế hệ trẻ sống có hoài bão, lý tưởng. Vì vậy, hoạt động này được coi là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong mỗi cơ sở giáo dục.

Học sinh Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế tổ chức ra quân hưởng ứng ngày “Chủ nhật Xanh”.
Học sinh Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế tổ chức ra quân hưởng ứng ngày “Chủ nhật Xanh”.

Thiết thực, tránh giáo điều

Giáo dục Thừa Thiên Huế nói chung, Trường THPT chuyên Quốc học Huế nói riêng đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng thế hệ học sinh có nhận thức đúng đắn về văn hóa học đường, có kỹ năng sống tốt, sống đẹp, sống có trách nhiệm.

Cô Hoàng Nữ Hảo Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học cho biết, ngoài giáo dục học sinh cách ứng xử có văn hóa, ngành Giáo dục địa phương cũng chú trọng giáo dục văn hóa học đường gắn liền với văn hóa Cố đô, với bản chất, lối sống, cốt cách con người Huế, gắn với nếp sống của gia đình người Huế. Đó là lễ phép trong chào hỏi, giao tiếp, thân thiện trong lời nói; có tình yêu thương, đùm bọc, tinh thần vị tha, lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô được đề cao.

Văn hóa “4 xin” (xin chào/xin phép/xin lỗi/xin cảm ơn) được khuyến khích trong giao tiếp của học sinh. Ngoài ra, văn hóa trang phục cũng được chú trọng, thể hiện ở cách ăn mặc lịch sự, nhã nhặn, trang phục truyền thống (áo dài nữ sinh, áo tứ thân…), đậm bản sắc văn hóa Huế.

Trường THPT chuyên Quốc Học thường xuyên tổ chức các tiết ngoại khóa, mời chuyên gia tâm lí, giáo dục nói chuyện, trao đổi với học sinh, khắc phục tình trạng giáo điều, lí thuyết suông. Liên kết với một số sơ sở giáo dục đại học (chẳng hạn Trường Đại học Luật - Đại học Huế) để trang bị cho học sinh kiến thức, hiểu biết pháp luật về bạo lực học đường, văn hóa học đường, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, tránh xa các tệ nạn đang xâm nhập học đường…

Bên cạnh đó, đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các đoàn thể khác tổ chức tọa đàm, hội thảo, có tổng kết, đánh giá văn hóa ứng xử của học sinh; đưa vấn đề này trong báo cáo đánh giá hàng tháng, từ đó có biện pháp điều chỉnh, uốn nắn những lệch lạc về chuẩn mực ứng xử.

Có thể nói, hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh luôn được triển khai với các hình thức phù hợp và được thực hành hàng ngày, hàng giờ, khi học sinh ở trường, ở nhà, khi tiếp xúc với cộng đồng.

Chia sẻ định hướng xây dựng văn hóa học đường hiệu quả tại địa phương, cô Hoàng Nữ Hảo Tâm cho biết, các nhà quản lí giáo dục có kế hoạch xây dựng chương trình giáo dục thực hành ứng xử, giao tiếp, đạo đức, nếp sống có trách nhiệm để thực hiện trong sinh hoạt hàng ngày và xác định đây là chương trình thường xuyên của các cấp học.

Cùng với đó, nâng cao chuẩn đạo đức nghề nghiệp, phong cách ứng xử của giáo viên, của phụ huynh học sinh trong sinh hoạt, giảng dạy và giao tiếp hàng ngày, bởi điều này có tác động lớn đến phong cách ứng xử của học sinh. Giáo viên nêu gương để học sinh thực tập lối ứng xử có văn hóa hàng ngày, tạo thành thói quen văn hoá trong giao tiếp học đường.

Đối với địa phương, hình thành các tua trải nghiệm, gắn giáo dục thái độ ứng xử với tài nguyên nhân văn, văn hóa di sản, lịch sử con người xứ Huế. Duy trì việc tôn vinh học sinh tiêu biểu tại Văn Thánh - Quốc tử giám. Tăng cường số buổi học sinh mặc áo dài truyền thống khi đến trường và tham gia các hoạt động cộng đồng. Học sinh Huế thuộc ít nhất một làn điệu dân ca…

Từ đó, giáo dục cho học sinh nhận thức sâu sắc về văn hóa Huế nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung, tránh xa các biểu hiện tiêu cực khác, gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa học đường…

Học sinh Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế tổ chức ra quân hưởng ứng ngày “Chủ nhật Xanh”.
Học sinh Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế tổ chức ra quân hưởng ứng ngày “Chủ nhật Xanh”.

Phối hợp “3 nhà”

Chú trọng công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội là một trong các giải pháp được ông Thái Văn Thành, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, nhấn mạnh nhằm thực hiện hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, xây dựng văn hóa học đường.

Theo đó, cần triển khai phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng kế hoạch, chủ trương, biện pháp giáo dục học sinh; xây dựng mối quan hệ hợp tác, chia sẻ thông tin, kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh; trong xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực học đường, tệ nạn và xâm hại đối với học sinh.

Ngoài ra, phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh chưa tích cực, học sinh có khuyết diểm, gặp khó khăn về tâm lý, học sinh khuyết tật, học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc tham gia vào quá trình khảo sát, theo dõi, đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của học sinh; chia sẻ các biện pháp thúc đẩy sự tiến bộ của các em, tham gia vào các hoạt động đánh giá học sinh tại nhà trường và gia đình.

Phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng thành tố (gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội), xây dựng các chỉ báo cụ thể, nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa của gia đình, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, các hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An cũng cho rằng, cần quan tâm, xây dựng chính sách về công tác xây dựng văn hóa học đường, nhất là việc định biên cho vị trí thực hiện công tác này. Hiện nguồn nhân lực cho việc giáo dục văn hóa học đường còn thiếu, chưa có định biên cho công tác này mà chủ yếu kiêm nhiệm từ nhiều nhiệm vụ, hoạt động  giáo dục khác nhau. 

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cần được trang bị các kiến thức về việc xây dựng văn hóa học đường. Chú trọng đổi mới nội dung xây dựng văn hóa học đường theo hướng mở, tùy theo nhu cầu thực tiễn giáo dục của mỗi giai đoạn, mỗi địa phương để có thể vận dụng các nội dung phù hợp, được chủ động trong tổ chức thực hiện. Khi triển khai nội dung cần phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học sinh, sinh viên  với các hoạt động xã hội một cách phù hợp, có hiệu quả…

“Cần xác định công tác xây dựng văn hóa học đường không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục mà là nhiệm vụ chính trị của chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể ở địa phương, của từng gia đình” - ông Thái Văn Thành nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ