Khơi dậy văn hóa đọc trong học đường

GD&TĐ - Để khơi dậy niềm đam mê đọc sách của các em học sinh, các trường học tại Hà Tĩnh đã triển khai nhiều hoạt động tạo cơ hội cho học sinh được tiếp cận và sử dụng sách hằng ngày.

Hình ảnh tiết dạy trải nghiệm tại thư viện của Trường THPT Hương Sơn (huyện Hương Sơn).
Hình ảnh tiết dạy trải nghiệm tại thư viện của Trường THPT Hương Sơn (huyện Hương Sơn).

Nhà trường và phụ huynh cùng chung tay xây dựng thư viện

Để đẩy mạnh phong trào đọc sách trong học sinh, nhiều năm qua, Trường Tiểu học Thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã đầu tư xây dựng “Thư viện xanh”. Đây cũng là một trong 15 đơn vị cả nước được Bộ VH-TT&DL tặng Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc năm 2020.

Cô Phạm Thị Phương Lê - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ chia sẻ: "Lúc đầu, phòng đọc nhà trường vô cùng nhỏ hẹp chỉ khoảng 20m2. Bên cạnh đó, số lượng cũng như nội dung các đầu sách cũng ít ỏi và kém phong phú. Chúng tôi cũng xác định muốn học sinh đam mê tìm đến nguồn sách thư viện thì bản thân thư viện trường phải thực sự sinh động và cuốn hút”.

Không gian thư viện xanh tại Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Không gian thư viện xanh tại Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Với ý nghĩ đó, nhà trường đã tìm mọi cách vận động từ các nguồn hỗ trợ để xây dựng không gian đọc cho học sinh. Nhận thấy lợi ích từ hoạt động này, phụ huynh các lớp cũng đồng tình hưởng ứng. Hiện tại, ngoài mô hình thư viện xanh, nhà trường còn có thêm thư viện thân thiện với phòng đọc rộng 80m2, 2.000 đầu sách với khoảng 10.000 cuốn. Không chỉ để học sinh đến đọc sách miễn phí, nhà trường cũng đã bố trí đưa giờ học thư viện vào thời khóa biểu, mỗi lớp 1 tiết/tuần.

Anh Trần Văn Vĩnh (phụ huynh lớp 2A) cho biết: “Ngày nay, công nghệ phát triển nên văn hóa đọc cũng dần bị thu hẹp. Thay vào đó các em sa vào điện thoại, máy tính… Việc nhà trường có những không gian văn hóa đọc lành mạnh giúp các các cháu thư giãn và còn trau dồi kiến thức. Những lúc rảnh rỗi, tôi cũng thường vào thư viện để đọc sách cùng con”.  

Từ khi thư viện nhà trường đi vào hoạt động, học sinh các lớp đã hết sức hào hứng. Để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các thầy cô của trường còn hướng dẫn cho các em các kỹ năng đọc sách cơ bản.

“Thầy cô giáo cùng thường xuyên định hướng cho chúng em cách chọn lựa các đầu sách hay, những cuốn sách bổ ích. Em thấy những cuốn sách này đều trang bị cho chúng em kiến thức cần thiết trong cuộc sống cũng như trong học tập”, em Bảo Chi (lớp 4D) hào hứng.

Thư viện lưu động của Trường Tiểu học Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh).
Thư viện lưu động của Trường Tiểu học Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh).

Còn tại Trường Tiểu học Nam Hồng (Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) ngoài thư viện chung, nhà trường cũng đã khuyến khích các lớp xây dựng tủ sách nhỏ, thân thiện ngay trong lớp học. Nhờ vậy, mỗi học sinh dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong những lúc rảnh rỗi, nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19.

“Với phương châm “Đọc sách mọi lúc, mọi nơi” hàng tuần nhà trường đã tổ chức tiết đọc sách thư viện cho học sinh. Nhà trường đã mở rộng không gian đọc ngoài lớp học, giúp học sinh vừa tìm hiểu thông tin vừa thư giãn, gần gũi, chan hòa với thiên nhiên. Còn trong điều kiện dịch bệnh, học sinh được đọc sách trực tuyến, đọc sách tại lớp học”, cô Lê Thị Tuyết Hồng, Hiệu trường Trường Tiểu học Nam Hồng chia sẻ.

Đưa sách về tận lớp học

Mỗi trường học có một giải pháp hay, với Trường THPT Hương Sơn (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), phong trào đọc sách được triển khai ngay từ đầu năm học và duy trì thường xuyên.

Mỗi tuần nhà trường dành một tiết sinh hoạt đầu giờ học cho học sinh đọc sách. Thầy giáo Lê Mạnh Cường - Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, để duy trì và phát triển văn hóa đọc cho học sinh, nhà trường đã đa dạng hóa hình thức tổ chức như tổ chức các cuộc thi ảnh, video giới thiệu sách, các tiết dạy trải nghiệm tại thư viện… Với những cách làm đó đã giữ ngọn lửa đam mê đọc sách cho học sinh”.

Học sinh Trường THPT Hồng Lĩnh đọc sách trong giờ sinh hoạt 15 phút.
Học sinh Trường THPT Hồng Lĩnh đọc sách trong giờ sinh hoạt 15 phút.

Nhằm hướng tới “Ngày sách Việt Nam”, trong những ngày này, các trường THPT chủ động xây dựng các hoạt động nhằm khơi dậy niềm yêu thích đọc sách cho học sinh như trưng bày, triển lãm sách theo chủ đề; tổ chức cho học sinh thi kể chuyện; quyên góp, ủng hộ sách…

Trường THPT Hồng Lĩnh còn đưa học sinh trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử, văn hóa trong và ngoài tỉnh cũng như tích cực cho học sinh tham gia các sự kiện liên quan đến phát triển văn hóa đọc… Văn hóa đọc sách cũng được nhà trường lồng ghép vào các tiết dạy của giáo viên.

Trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) tổ chức triển lãm sách nhân dịp "Ngày Sách Việt Nam".
Trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) tổ chức triển lãm sách nhân dịp "Ngày Sách Việt Nam".

Tại Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, xây dựng văn hóa đọc là hoạt động thường xuyên của nhà trường. Để duy trì phong trào đọc sách cho học sinh, BGH đã xây dựng kế hoạch này cụ thể theo từng năm học. Nhà trường cũng thành lập các câu lạc bộ về sách với những hoạt động thiết thực giới thiệu các cuốn sách hay. Xây dựng tủ sách lớp học, sắp xếp thời khóa biểu mỗi tuần 1 tiết đọc sách cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.