Xây dựng trường học hạnh phúc bắt đầu từ nhà quản lý

GD&TĐ - Để xây dựng trường học hạnh phúc (THHP) thì trước hết những người thầy đang hàng ngày gắn bó, cống hiến - cần nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện và đồng hành từ lãnh đạo và ban giám hiệu nhà trường.

HS Trường Tiểu học Nội Hợp B (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc)
HS Trường Tiểu học Nội Hợp B (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc)

Đồng hành để kiến tạo trường học hạnh phúc

Cô giáo Đỗ Huyền Trang, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân- Hà Nội) trao đổi: Xây dựng THHP dựa trên 3 yếu tố chính đó là: Con người, Môi trường làm việc và Phong cách làm việc.

THHP đề cao cảm xúc tích cực của mỗi cá thể trong nhà trường, các mối quan hệ tốt đẹp, trên cơ sở tinh thần dân chủ, công bằng, tôn trọng sự khác biệt, lắng nghe lẫn nhau, đồng cảm, yêu thương và chia sẻ…

Với tinh thần ấy, tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử, phổ biến đến toàn thể CB, GV, NV phối hợp với Công đoàn tổ chức tốt các chuyên đề về quy tắc ứng xử, đạo đức nhà giáo để duy trì bầu không khí học tập, làm việc ấm áp và thân thiện. Mọi thành viên trong nhà trường đều được yêu thương, tôn trọng, được hiểu, được có giá trị và được đảm bảo an toàn.

Mặt khác, trường cũng tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian giữa các lớp, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống từ những việc nhỏ và gần gũi với cuộc sống hàng ngày…

Các hoạt động này đã mang lại cho GV những hiệu quả rất lớn trong việc thay đổi môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học. Mỗi GV khi đến trường luôn cảm thấy không bị áp lực, đem lại sự hứng khởi, tạo nên năng suất lao động cao nhất. Nhà trường đã khơi gợi được tài năng, nhiệt tình và sáng tạo trong các giờ học của GV…

Cô Đỗ Huyền Trang cũng cho biết: “Quá trình xây dựng THHP GV luôn nhận được sự định hướng, động viên khuyến khích, truyền cảm hứng từ Ban giám hiệu, Hiệu trưởng. Nhà trường đã và luôn tôn trọng sự sáng tạo, giao quyền chủ động cho GV, tạo ra môi trường để GV dám đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau, không chạy theo thành tích..

Khi GV được cống hiện, ghi nhận và tự tin với kiến thức kĩ năng mình có… là khi ấy GV cảm thấy hạnh phúc. Từ hạnh phúc của người thầy sẽ đem đến hạnh phúc cho HS, cho cha mẹ HS và nhiều người trong xã hội”.

GV hạnh phúc sẽ lan tỏa giá trị hạnh phúc tới HS
GV hạnh phúc sẽ lan tỏa giá trị hạnh phúc tới HS

Cô Vũ Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hương Sơn (Phú Bình – Thái Nguyên) bày tỏ quan điểm: Xây dựng THHP từ hạnh phúc của người thầy nếu nói “suông” thì đơn giản, để đạt được ý nghĩa thực sự không dễ dàng. Đây là điều các nhà trường đã và đang hướng tới trên hành trình giáo dục.

Theo cô Vũ Thị Thanh để GV có được hạnh phúc tại trường lớp thì bản thân GV phải được trau dồi vững vàng chuyên môn. Như vậy, khi lên lớp GV sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin để truyền thụ kiến thức tới học trò. Do đó, nhà trường và Hiệu trưởng cần có trách nhiệm và đồng hành với GV trong việc nâng cao và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Cô Thanh  cho biết: Trước khi khai giảng năm học mới, nhà trường triển khai hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cho GV với tinh thần quyết liệt, vừa phát huy vai trò trách nhiệm của GV vừa động viên để GV tham gia tích cực, hiệu quả. Bởi chỉ thông qua bồi dưỡng mới có thể tháo gỡ hết vướng mắc của GV.

Mặt khác, bước vào năm học Hiệu trưởng đã đồng hành với tổ chuyên môn, GV trong nghiên cứu, xây dựng chương trình, giáo án, bài giảng theo hướng tinh gọn, căn cốt để triển khai trong bối cảnh dạy học ứng phó dịch Covid-19…

Cô Vũ Thị Thanh khẳng định: Nếu không có sự đồng hành của Hiệu trưởng, với GV ở hoạt động chuyên môn thì lo lắng luôn hiện hữu trong GV. Khi GV còn lo lắng, vướng mắc thì không thể lan tỏa kiến thức và giá trị hạnh phúc đến HS.

Xây dựng THHP từ thay đổi của Hiệu trưởng

Trao đổi về vai trò của Hiệu trưởng trong việc xây dựng THHP, thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nội Hợp B (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) chia sẻ câu chuyện bản thân mình để xây dựng THHP.

“Khi mới làm Hiệu trưởng tôi luôn lạc quan, nụ cười trên môi. Nhưng dần mất đi điều đó. Tôi hay cau mày”, áp lực, mất ngủ bởi nhiều việc lớn nhỏ đến từ GV, Ban giám hiệu; Hoặc căng thẳng chạy theo thành tích, sự kỳ vọng của cấp trên và cá nhân… Tôi đã tự hỏi làm Hiệu trưởng sao khổ thế? Tôi nhận thấy cần thay đổi và đặt quyết tâm thay đổi…” – Thầy Mạnh chia sẻ.

THHP giúp HS được an toàn, thêm yêu trường lớp, học tập hiệu quả
THHP giúp HS được an toàn, thêm yêu trường lớp, học tập hiệu quả

Thầy Đào Chí Mạnh đã lặng lẽ tham gia vào chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”. Từ đây, thầy thấy được điều mình còn thiếu, sai ở đâu?... Những điều bổ ích, sự chia sẻ, hỗ trợ của chương trình đã giúp thầy Mạnh “lột xác” trong tư dư. 2 điều thầy Mạnh đã khắc sâu để xây dựng THHP đó là:

Trước hết, khi Hiệu trưởng áp lực, căng thẳng thì áp lực ấy sẽ truyền tới GV. GV không thể hạnh phúc, thoải mái nếu Hiệu trưởng là “mẹ chồng” khó tính. Áp lực mà họ nhận về cũng sẽ trở thành nguồn cơn truyền lên HS theo cấp số nhân. Từ đó sẽ triệt tiêu sự sáng tạo của HS…“Hiệu trưởng phải là người hạnh phúc thì mới có thể mang tới hạnh phúc cho GV và HS…” – thầy mạnh bày tỏ.

Một vấn đề mà nhiều hiệu trưởng trong đó có thầy Mạnh từng gặp phải đó là tìm ra hàng trăm lý do để lý giải việc không thay đổi để có được THHP thay vì bước vào thay đổi bản thân từ những điều nhỏ bé nhất.

Khi  “ngộ” ra vấn đề, thầy Mạnh đã thay đổi bản thân mình bằng cách chuyển hóa cảm xúc khi tâm lý gặp vấn đề. Trước kia triển khai nhiều việc nhưng không có thời gian để lắng nghe GV, NV, HS… thì hiện tại thầy Mạnh dành nhiều thời gian để lắng nghe, trao đổi, chia sẻ GV và thậm chí lắng nghe bản thân mình...

Cùng đó, thầy Mạnh cũng giảm bớt việc làm hành chính, hội họp. Không gọi điện thoại khi có việc vào buổi tối cho GV. Thay vì việc kiểm tra lớp để “soi” GV có lỗi nào, lỗi ở đâu thì hỏi các thầy cô cần gì? và lắng nghe để chia sẻ và cùng tháo gỡ…

Để kiến tạo môi trường hạnh phúc cho GV, thầy Mạnh đã xây dựng phòng chờ GV với không gian cafe với màu sắc, có quầy bar, nhạc du dương và nhiều cuốn sách để GV giải trí khi cần.

Sự chia sẻ của lãnh đạo trường dù nhỏ nhưng đã trở thành động lực lớn lao để các thầy cô làm việc, sáng tạo và công việc tốt dần lên… - thầy Mạnh trao đổi.

“Xây dựng THHP còn nhiều khó khăn nhưng nếu có niềm tin hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất trên hành trình tìm kiếm. Bởi chỉ ở THHP thì các thầy cô giáo, HS  mới được yêu thương, tôn trọng, an toàn, được  thấu hiểu và có giá trị..”- thầy Đào Chí Mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ