Xây dựng Trường học hạnh phúc là hành trình thay đổi nhận thức

GD&TĐ - Xây dựng Trường học hạnh phúc là hành trình thay đổi về nhận thức và hành động lâu dài, bền bỉ.

Tiết sinh hoạt dưới cờ của Trường THPT Hoàng Cầu với chủ đề: Trách nhiệm với gia đình mang: Nơi ấy con con tìm về.
Tiết sinh hoạt dưới cờ của Trường THPT Hoàng Cầu với chủ đề: Trách nhiệm với gia đình mang: Nơi ấy con con tìm về.

Lan tỏa cảm xúc hạnh phúc

Dự án Trường học Hạnh phúc do Quỹ Hỗ trợ đổi mới GDPT Việt Nam -VIGEF chủ trì thực hiện nhằm mục đích hỗ trợ xây dựng hệ thống giáo dục theo mô hình Trường học hạnh phúc tại Việt Nam: Tập huấn 10.000 Hiệu trưởng các trường phổ thông trong cả nước nhằm nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo xây dựng Trường học hạnh phúc. Từ đó lan tỏa Trường học hạnh phúc đến các nhà trường tại Việt Nam.

Ông Đặng Tự Ân - Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) quan niệm, hạnh phúc cho người học không chỉ là kết quả học tập hay điểm số mà cần hướng tới đời sống tinh thần cân bằng và lành mạnh hơn, biết làm chủ cảm xúc cho tất cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam.

Ông Đặng Tự Ân cho biết, Dự án Trường học hạnh phúc do VIGEF triển khai thực hiện vào thời kỳ giáo dục của Việt Nam đang tích cực đổi mới, chuyển từ mục tiêu chủ yếu cung cấp kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất năng lực cho người học.

Theo ông Ân, trước hết cách tiếp cận Dự án của VIGEF là làm thay đổi nhận thức của 10.000 hiệu trưởng trường phổ thông trong cả nước. Qua đó, giúp họ biết cách rèn luyện để có hạnh phúc và có được trải nghiệm xây dựng Trường học hạnh phúc tại chính cơ sở của mình, theo bộ tiêu chí 3P của UNESCO là: Con người (People), Quá trình dạy học, giáo dục (Process) và Môi trường giáo dục (Place).

Sau đó, bằng vai trò độc đáo của mình, Hiệu trưởng sẽ làm thay đổi người dạy và người học để họ có được hạnh phúc trong môi trường học đường. “Thông qua kết quả có được từ xây dựng Trường học hạnh phúc; chúng tôi sẽ lan tỏa cảm xúc hạnh phúc ra cộng đồng và xã hội của Việt Nam” – ông Ân nhấn mạnh.

Đại biểu tham gia Hội thảo trực tuyến với chủ đề "Hạnh phúc để học tập - Tại sao thế giới cần trường học hạnh phúc".

Đại biểu tham gia Hội thảo trực tuyến với chủ đề "Hạnh phúc để học tập - Tại sao thế giới cần trường học hạnh phúc".

Từ kinh nghiệm thực tế của Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội), cô Hiệu trưởng Lưu Thị Lập chia sẻ, xây dựng Trường học hạnh phúc là hành trình thay đổi về nhận thức và hành động lâu dài, bền bỉ của hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và phụ huynh để mang đến hạnh phúc cho chính họ.

Để thay đổi trong nhận thức, Trường THPT Hoàng Cầu đã triển khai chuỗi hội thảo để giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh hiểu về Trường học hạnh phúc. Từ đó, biết cách rèn luyện để có hạnh phúc cho mình và những người xung quanh. “Để thay đổi trong hành động thì cả hiệu trưởng, giáo viên và học sinh đều cần phải thay đổi” – cô Lập bày tỏ.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Cô Lập đã lắng nghe những ý kiến phản hồi từ giáo viên, học sinh và phụ huynh để phát hiện ra những việc chưa làm cho mọi người được hạnh phúc. Từ đó, tìm ra giải pháp khắc phục để họ trở nên hạnh phúc và tích cực hơn.

Trên tinh thần đó, ngoài kết quả học tập hay điểm số, giáo viên có nhu cầu sáng tạo, còn học sinh có cơ hội phát triển năng lực cá nhân. “Chúng tôi điều chỉnh cách thức xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường nhằm đáp ứng những mong muốn chính đáng của giáo viên và học sinh” – cô Lập chia sẻ.

Các Báo cáo viên tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề "Hạnh phúc để học tập - Tại sao thế giới cần trường học hạnh phúc".(ảnh chụp màn hình).

Các Báo cáo viên tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề "Hạnh phúc để học tập - Tại sao thế giới cần trường học hạnh phúc".(ảnh chụp màn hình).

Từ đó, cô Lập thấy giáo viên cười nhiều hơn khi tiếp xúc với đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh. Họ cũng lắng nghe và tôn trọng hơn những ý kiến khác biệt; đồng thời quan tâm đến học sinh nhiều hơn.

Giáo viên làm nhiều cách để không khí lớp học trở nên thoải mái, vui vẻ. Học sinh cũng hiểu rằng, hạnh phúc không chỉ là sự đón nhận, mà các em cũng phải biết thay đổi chính mình để đồng hành cùng thầy cô.

Các em hài lòng, phấn khởi khi đến trường. Khi học sinh hạnh phúc cũng có nghĩa là nhà trường đã mang đến hạnh phúc cho phụ huynh. Họ tin tưởng, đồng thuận và tham gia tích cực các hoạt động của nhà trường cùng các con.

“Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng một ngôi trường mà ở đó có: Hiệu trưởng hạnh phúc - giáo viên hạnh phúc - học sinh hạnh phúc và phụ huynh hạnh phúc. Với chúng tôi, mỗi ngày đến trường là một ngày vui” - cô Lập quả quyết.

Đặt vấn đề, vì sao thế giới cần có Trường học hạnh phúc, GS Grégoire Borst - ĐH Paris, Giám đốc Phòng thí nghiệm Tâm lý Giáo dục và Phát triển Trẻ em (LaPsyDÉ - CNRS) về Trường học hạnh phúc từ khía cạnh não bộ và tâm lý – cho rằng, cần tăng cường cam kết chính trị và sự quan tâm của xã hội đối với hạnh phúc của toàn trường như là nền tảng của chất lượng học tập.

GS Grégoire Borst khuyến khích các quốc gia thành viên (chính quyền trung ương và địa phương cũng như các trường học) tham gia chương trình Trường học hạnh phúc trong quan hệ đối tác với UNESCO.

Từ năm 2014 đến nay, UNESCO đã tích cực thúc đẩy khái niệm Trường học hạnh phúc hướng tới các trường học chuẩn bị cho người học thành công trong một thế giới đầy biến động.

Sáng kiến này nhằm mục đích truyền cảm hứng cho các chương trình quốc gia trên toàn cầu để biến trường học thành những nơi tích cực để học tập, sinh hoạt và chung sống trong một thế giới ngày càng bị chia rẽ, số hóa và dễ bị thiên tai.

Để làm được điều này, UNESCO đã xác định các tiêu chí chính mà chính phủ và cộng đồng trường học nên giải quyết để thúc đẩy hạnh phúc trong và học tập. Các tiêu chí này được tổ chức thành địa điểm, con người, quy trình và nguyên tắc hướng dẫn tạo nên Trường học Hạnh phúc.

Trong thời gian tới, UNESCO có kế hoạch tiếp tục phát triển mô hình Trường học Hạnh phúc, tăng cường phối hợp các quốc gia, tổ chức triển khai Trường học Hạnh phúc với nhau, quan tâm đến tăng cường tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục với hiệu trưởng trường học. UNESCO cũng sẽ quan tâm tới việc tổ chức đào tạo, tập huấn về trường học Hạnh phúc cho Hiệu trưởng và giáo viên ở các quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ