Xây dựng trường học hạnh phúc bằng trái tim yêu thương

GD&TĐ - Trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng để cùng hướng tới những giá trị tốt đẹp.

Các em học sinh Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) được trải nghiệm tại làng nghề cây cảnh nghệ thuật.
Các em học sinh Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) được trải nghiệm tại làng nghề cây cảnh nghệ thuật.

Thay đổi để hạnh phúc

Trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong đó, Ban giám hiệu, giáo viên, học sinh được nói lên suy nghĩ, có điều kiện đổi mới sáng tạo, phát huy hết các năng lực cá nhân. Mọi người đều cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học như gia đình.

Để làm được điều này, bản thân mỗi giáo viên và lãnh đạo quản lý đều phải thay đổi để tạo môi trường giáo dục khiến học sinh hạnh phúc. Hãy yêu thương học trò bằng tất cả trái tim, hãy lan tỏa cho các em niềm tin và tình yêu vào cuộc sống bằng chính những ứng xử đầy tính nhân văn của mình. Hãy làm cho mỗi lớp học thực sự trở nên hạnh phúc, mỗi ngày đến trường của các em thực sự là một ngày vui.

Thầy Nguyễn Hải Sơn – Hiệu trưởng nhà trường tặng quà cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập.
Thầy Nguyễn Hải Sơn – Hiệu trưởng nhà trường tặng quà cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập.

Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) đã nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tích cực, an toàn cả về thể chất và tinh thần, đảm bảo tối thiểu có đủ cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ cho hoạt động dạy - học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hải Sơn cho hay, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch với nội dung không để tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những sự việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng tới sức khoẻ nhà giáo và học sinh. Các phòng học đều được trang trí phù hợp, luôn sạch đẹp, gắn với nhu cầu học tập và rèn luyện.

Nhà trường đã tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp nhằm phát triển tình cảm, đạo đức, các phẩm chất và năng lực chủ yếu của học sinh. Thông qua đó đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp học sinh giảm căng thẳng, mệt mỏi trong học tập, tự tin vào bản thân, có thái độ cởi mở, hòa đồng với bạn bè xung quanh.

Niềm vui của cô trò nhà trường khi được tham gia vào ngày hội STEM do Phòng GD&ĐT Hải Hậu tổ chức.
Niềm vui của cô trò nhà trường khi được tham gia vào ngày hội STEM do Phòng GD&ĐT Hải Hậu tổ chức.

Từ đó, giúp các em biết trân quý cuộc sống, tôn trọng, biết ơn cha mẹ và thầy cô, càng thêm yêu thiên nhiên, yêu trường lớp, yêu quê hương, yêu Tổ quốc. Tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống (phòng ngừa và ứng phó với hiện tượng bắt nạt, bạo lực học đường…) để tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần cho học sinh và phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các em.

Hành trình dài hơi

Hành trình xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc không hề đơn giản, dễ dàng, mà phải là một chặng đường dài, thường xuyên, liên tục, sẽ có nhiều gian nan, thử thách; nhưng sẽ không khó nếu được xây bằng một trái tim yêu thương.

Để xây dựng trường học hạnh phúc đúng với các tiêu chí đề ra, chi ủy, chi bộ, Ban giám hiệu Trường THCS Hải Lý xác định rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ quản lý, thầy cô giáo và học sinh nhà trường phải nỗ lực không ngừng, có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, có sự thay đổi bản thân, đổi mới phương pháp giáo dục và ứng xử các tình huống sư phạm phù hợp, đảm bảo các quy định về đạo đức nhà giáo và giáo dục học sinh đạt hiệu quả.

Một giờ hoạt động trải nghiệm về an toàn giao thông cho học sinh nhà trường.
Một giờ hoạt động trải nghiệm về an toàn giao thông cho học sinh nhà trường.

Cô Trần Thị Hồng Hạnh chia sẻ: “Là một giáo viên dạy Toán và làm công tác chủ nhiệm lớp 8, lứa tuổi học sinh đang có sự thay đổi lớn về tâm lý, các em thích học theo cách làm của người lớn, bướng bỉnh ương ngạnh rất dễ bị lôi cuốn vào lối sống buông thả. Nếu chỉ lấy biện pháp kỷ cương, kỷ luật ra để giáo dục các em chắc sẽ khó thành công mà phải biết ứng xử phù hợp với tâm lý lứa tuổi và bằng tình yêu thương, bao dung độ lượng, thầy cô phải có tâm huyết bằng cả trái tim mới khơi lên nguồn cảm hứng và nghị lực vươn lên và thành công trong cuộc sống của các em học sinh”.

Trong những năm qua, đặc biệt là từ đầu năm học 2022-2023, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động với phương châm lấy học sinh làm trung tâm. Bên cạnh đó, trường cũng đầu tư vào việc xây dựng môi trường học đường đẹp, có đầy đủ công năng để học sinh có thể chủ động, sáng tạo tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp trong ngôi trường của mình.

Các thầy giáo, cô giáo luôn tích cực tự học, tự rèn luyện, bổ sung kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực ứng xử sư phạm; biến những khó khăn, thách thức trong nghề thành những cơ hội để khẳng định phẩm chất, năng lực của bản thân trước phụ huynh, đồng nghiệp và học sinh. Thầy cô có sự đổi mới trong phương pháp dạy học, phát huy phẩm chất, năng lực học sinh theo định hướng Chương trình GDPT mới.

Môi trường học đường phải thân thiện

Đại diện nhà trường, Công đoàn tặng quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đại diện nhà trường, Công đoàn tặng quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thầy Nguyễn Hải Sơn nhận định, trường học hạnh phúc cần có một cảnh quan đẹp, bởi vậy khuôn viên cây xanh của nhà trường được đầu tư, chăm sóc, tạo không gian xanh mát, thân thiện. Khi đến trường học, học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương tỏa ra từ thầy cô, bạn bè; cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại sân trường, bồn hoa, hàng cây, lớp học đều góp phần làm nên xúc cảm hạnh phúc, vui tươi, phấn khởi trong suy nghĩ tuổi học trò.

"Hạnh phúc phải được xây dựng bồi đắp trong cuộc sống mỗi ngày và cần được lan tỏa trong mỗi lớp học. Có lớp học hạnh phúc thì mới có trường học hạnh phúc. Khi ấy, niềm hạnh phúc không chỉ bó hẹp dưới mái trường, mà còn lan toả, song hành cùng gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc" - thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hải Sơn khẳng định.

Với các thầy cô và học sinh trong nhà trường coi kỳ thi, điểm số và bài kiểm tra không phải là mục tiêu cuối cùng mà chỉ đơn giản là phương tiện kết thúc. Mục đích của nhà trường là giúp các em phát huy hết tiềm năng, trí tuệ, tình cảm, thực tiễn. Các thầy cô giáo phải giúp các em trang bị các kỹ năng, năng lực và các giá trị đạo đức vững chắc nhằm định hướng cho các em trong cuộc sống.

Học sinh được tham gia nhiều trò chơi vận động, thể dục thể thao để kích thích tư duy sáng tạo.

Học sinh được tham gia nhiều trò chơi vận động, thể dục thể thao để kích thích tư duy sáng tạo.

Thầy Ngô Văn Đạt - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hải Lý cho biết: “Là một giáo viên và được phân công làm công tác tư vấn tâm lý học đường, tôi nhận thấy xây dựng ngôi trường hạnh phúc ở đó là nơi không có bạo lực học đường, hay các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo. Là nơi mà thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Các thầy cô không chỉ dạy về kiến thức văn hóa, mà còn dạy cho các em về đạo đức làm người, có lối sống lành mạnh, tích cực, biết quan tâm chia sẻ và giúp đỡ mọi người”.

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới. Trong sự đổi mới đó thì việc xây dựng những “Ngôi trường hạnh phúc” được cho là nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục. Với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, các giáo xứ họ đạo và tổ chức đoàn thể địa phương, sự đồng lòng của phụ huynh học sinh, sự quyết tâm, nỗ lực của Ban giám hiệu, các thầy cô giáo, Trường THCS Hải Lý sẽ nỗ lực trở thành trường học hạnh phúc, đáp ứng mong mỏi của cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân địa phương góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học đã đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.