Trường vùng biên ở Thanh Hóa chuẩn bị đón năm học mới

GD&TĐ - Chuẩn bị năm học mới, nhiều huyện vùng khó ở tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, xây dựng cơ sở vật chất trường học khang trang, hiện đại.

Trường Tiểu học Trung Thượng (Quan Sơn, Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)
Trường Tiểu học Trung Thượng (Quan Sơn, Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho giáo dục

Chuẩn bị năm học mới 2024-2025, tại các huyện biên giới của tỉnh Thanh Hóa, như: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học.

Những năm qua, nhiều trường học ở các huyện biên giới đã bị xuống cấp, gây khó khăn cho việc dạy và học. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng mới, cải tạo nhiều trường học ở vùng khó, nhằm giúp thầy, trò yên tâm trong môi trường giáo dục.

Nhiều trường học đã được "thay áo mới" với quy mô hiện đại, khang trang, sẵn sàng chào đón năm học mới 2024-2025.

Trường Tiểu học và THCS Trung Xuân (Quan Sơn, Thanh Hóa) vừa được đầu tư xây dựng mới 3 dãy nhà tầng khang trang với 8 phòng học, 6 phòng bộ môn và nhà hiệu bộ. Ngoài ra, còn có nhà y tế học đường, toà nhà 2 tầng 6 phòng học cũ cũng được sửa chữa, cải tạo… Tổng mức đầu tư hơn 11,3 tỷ đồng.

Thầy Cao Văn Vinh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tháng 6/2023, khi công trình chuẩn bị đưa vào sử dụng, thì “vướng” quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa đạt tiêu chuẩn, nên không thể nghiệm thu, bàn giao công trình.

Trước thực trạng đó, tháng 12/2023, HĐND huyện Quan Sơn ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư các hạng mục PCCC cho 4 công trình, gồm: Trường Tiểu học và THCS Trung Xuân; Trường Tiểu học Trung Thượng; Trường Tiểu học Trung Hạ và Trường Tiểu học Tam Lư, với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ đồng.

Ngày 5/6 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn ban hành quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống PCCC cho 4 ngôi trường nêu trên có tổng mức 3,5 tỷ đồng. Hiện nay, nhà thầu đang khẩn trương thi công, để sớm bàn giao vào đầu năm học mới.

Truong_vung_bien_chuan_bị_nam_hoc_moi 3.jpg

Nhà hiệu bộ của Trường Tiểu học Trung Hạ (Quan Sơn, Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Trường Tiểu học Trung Hạ (Quan Sơn) cũng vừa được xây mới khu nhà hiệu bộ, nhà bộ môn 2 tầng 6 phòng, 3 phòng thư viện và sửa lại 6 phòng học cùng một số công trình phụ trợ khác... với tổng đầu tư gần 9 tỷ.

Thầy Phạm Văn Nam - Hiệu trưởng cho hay, năm học mới này, nhà trường có 275 học sinh, được phân bố tại 2 điểm lẻ ở khu Din, khu bản Lang và điểm trường chính. “Sau khi được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, năm học mới này thầy, trò nhà trường rất phấn khởi. Sắp tới, thầy trò sẽ yên tâm dạy và học trong điều kiện thuận lợi nhất từ trước đến nay”, thầy Nam chia sẻ.

Tại Trường Tiểu học Trung Thượng (Quan Sơn), thầy Lê Đình Lợi - Hiệu trưởng cho biết, năm học này nhà trường có thêm 8 phòng học (2 tầng), nhà thư viện và 1 số công trình phụ trợ khác.

“Các phòng học được bố trí máy vi tính, bảng trượt, tivi khá hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho thầy, trò nhà trường dạy và học theo Chương trình GDPT mới 2018. Hiện nay, nhà trường đang được nhà thầu triển khai thi công hệ thống PCCC bàn giao vào đầu năm học”, thầy Lợi thông tin.

Tại huyện vùng cao, biên giới Mường Lát, nhiều trường học cũng phấn khởi khi được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để "thay áo mới".

Ông Mai Xuân Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát thông tin, tổng vốn đầu tư cho giáo dục năm 2024 của địa phương là hơn 271 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ năm 2023 chuyển sang là hơn 157 tỷ đồng; vốn của năm 2024 là gần 114 tỷ đồng.

Truong_vung_bien_chuan_bị_nam_hoc_moi _2.jpg
Phòng học tin học của Trường Tiểu học Trung Thượng (Quan Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng

Thầy Nguyễn Duy Thủy - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS (PTDTBT-THCS) Trung Lý (Mường Lát) cho hay, hiện nay, nhà trường đang được huyện đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh bán trú một khu nhà 2 tầng, 12 phòng. Khi đưa vào sử dụng, khu nhà này sẽ có chỗ ở cho khoảng 150 học sinh. Số học sinh còn lại, nhà trường bố trí các em ở trong 15 phòng lắp ghép.

Ngoài ra, nhiều hạng mục của trường cũng được xây mới khang trang như: Nhà ăn, nhà bếp, khu vệ sinh, nhà tắm và 6 phòng học bộ môn. Tuy nhiên, nhà công vụ vẫn đang còn thiếu trầm trọng. Hiện nhà trường có 17 giáo viên có nhu cầu sử dụng nhà công vụ nhưng chỉ mới có 4 phòng.

Vận động học sinh đến trường

Với số lượng học sinh khá đông, nhiều em ở cách xa trường hàng chục km đường rừng, nên sau khi “trả phép”, thầy, cô giáo ở Trường PTDTBT-THCS Trung Lý đã “lên dây cót” để đi vận động học sinh ra lớp.

Thầy Nguyễn Duy Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2024-2025, trường có 542 học sinh, trong đó có 153 học sinh lớp 6. Đặc biệt, ngôi trường này có tới 475 học sinh thuộc diện ăn, ở bán trú.

Chuẩn bị vào năm học mới, nhà trường đã tập trung giáo viên, triển khai công việc chỉnh trang CSVC, đồng thời phân công các thầy đi vận động học sinh ra lớp. “Trung Lý là xã đất rộng, người đông, có địa hình phức tạp và chủ yếu là đồng bào Mông, Thái sinh sống. Xã có 15 bản, trong đó, nhiều bản xa xôi, hẻo lánh, như: Tà Cóm, Cá Giáng, Cánh Cộng, Co Cài, Pa Búa, Nà Ón…, nên thầy, cô phải chủ động đến vận động học trò vào lớp 6”, thầy Thủy thông tin.

Thầy Thủy thông tin thêm, đối với học sinh đầu cấp, lần đầu tiên xa nhà, xa bản…, các em cũng bị ảnh hưởng tâm lý, nhiều em không muốn đi học. “Điều đáng mừng là nhà trường có nơi ăn, ở bán trú. Học sinh đi học được hưởng gạo, tiền hỗ trợ hằng tháng đầy đủ…, điều kiện học tập cũng tốt hơn, nên những năm gần đây, không còn cảnh nhiều em bỏ học như trước”, thầy Thủy chia sẻ.

Ông Sùng A Chai, ở bản Tà Cóm (Trung Lý, Mường Lát) có con trai là Sùng Anh Tuấn, năm nay lên lớp 6, bộc bạch: “Cháu Anh Tuấn nhà tôi vừa học xong lớp 5, chưa bao giờ xa nhà, nên cũng rụt rè lắm. May mà thầy giáo lặn lội đến nhà động viên, nên cháu có phần mạnh dạn hơn. Vợ chồng tôi luôn động viên các con hãy cố gắng học cái chữ cho thật tốt, để sau này có cơ hội thoát nghèo”.

36406ba3aee10abf53f0.jpg
Giáo viên Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đến nhà vận động học sinh.
(Ảnh: NTCC)

Tương tự thầy Thủy, thầy Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát) cũng phải có mặt ở trường từ trung tuần tháng 7, để làm công tác tuyển sinh đầu cấp (lớp 6) và bố trí giáo viên đi vận động học sinh đến lớp.

Mường Lý là địa phương đất rộng, địa hình phức tạp, có 15 bản. Bà con ở Mường Lý chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Nhiều bản, như: Trung Thắng, Sài Khao... cách trường khoảng 20km đường rừng.

“Hàng năm, cứ tầm trung tuần tháng 7, Ban Giám hiệu và giáo viên phải trở lại trường để làm công tác tuyển sinh và đi vận động học trò. Bây giờ, điều kiện về thông tin đã thuận lợi hơn, đó là dùng điện thoại thông báo cho phụ huynh. Tuy nhiên, vẫn nhiều học sinh không hào hứng đến trường, giáo viên phải vào tận nhà ở bản xa xôi, hẻo lánh vận động các em. Có những lần, khi giáo viên tìm được nhà học sinh, nhưng gia đình đóng cửa đi làm nương, đành phải quay về trường, rồi mấy hôm sau trở lại”, thầy Xuân chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cho biết, ở huyện biên giới khó khăn, xa xôi này có tới 50 điểm trường lẻ mầm non và tiểu học. Các thầy, cô giáo từ cấp THCS xuống bậc học mầm non đều phải tranh thủ trong thời gian nghỉ hè lặn lội đến các bản xa, hẻo lánh, cách trường chính hàng chục km đường rừng để vận động phụ huynh cho trẻ và học sinh đến trường.

“Để chuẩn bị đón năm học mới 2024-2025, huyện Quan Sơn đã rất quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất tại các trường học trên địa bàn. Theo đó, tổng vốn đầu tư dành riêng cho giáo dục của huyện là hơn 62 tỷ đồng từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh và ngân sách huyện”, ông Lê Huy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ