Đua thời gian chuẩn bị đón năm học mới

GD&TĐ - Các trường đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… sẵn sàng đón học sinh với quyết tâm và khí thế mới.

Giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Bình, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học mới.
Giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Bình, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học mới.

“Áo mới” cho trường, lớp

Năm học 2024 - 2025, Trường THCS DTNT huyện Phú Lương (Thái Nguyên) có tổng số 374 học sinh. Ngay từ khi kết thúc năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch trình các ngành chức năng để tiến hành tu sửa, nâng cấp khu ký túc xá, nhà ăn, xây nhà kho đón lương thực và công trình phụ trợ khác, nhằm đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, học tập của học sinh.

Tháng 7/2024, từ nguồn kinh phí hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhà trường được nâng cấp, sửa chữa các hạng mục trên với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 9/2024, với diện mạo mới khang trang, hiện đại, tiện nghi.

Cô Đỗ Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường THCS DTNT huyện Phú Lương cho hay, khu ký túc xá, nhà ăn của học sinh được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2009, đến nay đã xuống cấp. Công trình mới, sẽ góp phần cải thiện hoạt động sinh hoạt, nghỉ ngơi, học tập của học sinh, tạo động lực cho cô trò trước thềm năm học mới.

Sau gần 9 tháng thi công, dãy phòng học 2 tầng của Trường Mầm non Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) đang hoàn tất công đoạn cuối cùng. Những ngày qua, phụ huynh, cán bộ, giáo viên háo hức đến trường dọn dẹp vệ sinh để chuẩn bị cho lễ bàn giao, khánh thành đầu tháng 8.

Cô Đinh Thị Thanh Hòa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ nguồn vốn hỗ trợ, năm học 2024 - 2025, Trường Mầm non Hương Liên được xây mới dãy nhà 2 tầng trị giá hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà trường được đầu tư thêm 1,2 tỷ đồng để tu sửa nhà ăn bán trú và dãy nhà hành chính hiệu bộ. “Với sự đầu tư này, nhà trường cơ bản đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp, đáp ứng mục tiêu hoàn thành trường chuẩn quốc gia cuối năm nay”, cô Đinh Thị Thanh Hòa nói.

Niềm vui trường lớp mới cũng hiện hữu với cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Sau nhiều mong đợi, công trình nhà đa chức năng trị giá 4 tỷ đồng đã được thi công. “Công trình sẽ tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất, ngoại khóa. Học sinh được phát huy năng khiếu, sở trường, rèn luyện kỹ năng theo tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT 2018”, thầy Nguyễn Trung Yên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Bình cho hay.

Ngay sau khi kết thúc năm học cũ, ngành Giáo dục Hậu Giang đã chủ động rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị… những trường xuống cấp và tham mưu các cấp, ngành xin đầu tư nâng cấp, xây dựng mới. Riêng trường chỉ tu bổ nhỏ một số hạng mục, các đơn vị đã chủ động tiến hành sửa chữa dựa trên kinh phí đầu năm được phân bổ…

Trường Tiểu học Rạch Gòi A (Châu Thành A, Hậu Giang) đã chuẩn bị sẵn sàng đón năm học mới. Trường bảo đảm 1 lớp/phòng học, đầy đủ phòng chức năng và tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Mỗi phòng học bố trí tivi thông minh có kết nối Internet giúp giáo viên thuận lợi áp dụng các bài giảng theo sách giáo khoa mới; phòng chức năng đầy đủ trang thiết bị phục vụ học tập giúp học sinh tăng cường thực hành gắn với thực tế.

San sang nam hoc moi 3.JPG
Giáo viên TP Cần Thơ tham gia tập huấn SGK lớp 5.

Nâng chất đội ngũ giáo viên

Năm học 2024 - 2025 có ý nghĩa quan trọng với ngành Giáo dục toàn quốc khi Chương trình GDPT 2018 sẽ áp dụng từ lớp 1 đến lớp 12, tạo tính thống nhất và liên kết cao trong quá trình phát triển năng lực học sinh.

Thực hiện kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn hè, từ cuối tháng 7, Trường Tiểu học Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã tổ chức tập huấn chuyên môn cho 32 cán bộ, giáo viên nhà trường.

“Trong những buổi tập huấn, giáo viên được nghiên cứu nội dung sách giáo khoa, quy trình và phương pháp dạy các môn học, đặc biệt đối với chương trình lớp 1 và lớp 2. Các khối phân công giáo viên xây dựng, soạn bài, nghiên cứu kỹ các nội dung để trình bày.

Sau mỗi phần trình bày, giáo viên tích cực đưa ra nội dung còn băn khoăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy thực tế để thảo luận và đề xuất phương án giải quyết, giải pháp tối ưu. Qua những buổi tập huấn chuyên môn, chúng tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm quý báu để chuẩn bị cho công tác dạy học cho năm học mới”, cô Biện Thị Anh Đào – giáo viên khối 1, Trường Tiểu học Cẩm Bình chia sẻ.

Thời điểm hiện tại, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên của Trường THPT Krông Bông (Đắk Lắk) đã sẵn sàng cho năm học mới.

San sang nam hoc moi 2.jpg
Trường Mầm non Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) được đầu tư xây mới dãy nhà 2 tầng với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng.

“Trong hè, công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch giáo dục, bộ môn và cá nhân được nhà trường quan tâm chỉ đạo thông qua tổ trưởng chuyên môn. Công tác chuẩn bị cẩn thận, chu đáo và có tính dự báo là bước chạy đà quan trọng cho năm học 2024 - 2025 ở khu vực Tây Nguyên”, thầy Dương Kim Thạch - Hiệu trưởng Trường THPT Krông Bông (Đắk Lắk) thông tin.

Nhà trường dự kiến tập trung học sinh ngày 6/8, trọng tâm đợt tập trung vẫn là tư vấn lựa chọn môn học để học sinh và gia đình thấy rõ, chọn đúng năng lực học tập. Theo thầy Thạch, đây là năm học đặc biệt khi Chương trình GDPT 2018 phủ kín các khối lớp. Học sinh lớp 12 năm nay là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình mới.

Tại Vị Thủy – huyện vùng khó của tỉnh Hậu Giang, phòng GD&ĐT khẩn trương tổ chức, tạo điều kiện cho viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ trong hè góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý.

Theo ông Phan Trọng Nguyễn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vị Thủy, ngành Giáo dục huyện tập trung sắp xếp đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với tình hình thực tế địa phương và đơn vị; đồng thời tham mưu tuyển dụng đủ số lượng giáo viên trong biên chế được giao, hợp đồng giáo viên, nhân viên theo quy định.

Đây là một trong những bài toán khó của ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang những năm qua. “Để thu hút được giáo viên, sở GD&ĐT đã tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về đãi ngộ và cam kết đối với giáo viên tuyển mới, đặc biệt giáo viên các bộ môn Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật...”, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang Nguyễn Hoài Thúy Hằng chia sẻ.

San sang nam hoc moi 1.jpg
Giáo viên Trường Tiểu học Cúc Đường (Võ Nhai, Thái Nguyên) dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị cho năm học mới.

Nỗ lực đảm bảo sĩ số

Ngay khi kết thúc năm học, Phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đã chỉ đạo các nhà trường tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyển sinh, phối hợp vận động các gia đình cho con đi học đúng độ tuổi. Năm học này, toàn huyện có 11.946 học sinh, trong đó có 1.225 em huy động vào lớp 1 và 1.444 em vào lớp 6, tỷ lệ huy động đạt 100%.

Năm học 2024 - 2025, Trường THCS & THPT DTNT Hà Tĩnh (Hương Khê, Hà Tĩnh) tổ chức tuyển sinh trở lại sau 1 năm tạm dừng. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh năm học mới của nhà trường gặp không ít khó khăn.

“Hiện, nhà trường có khoảng hơn 20 hồ sơ đăng ký nhập học vào lớp 10. Ban giám hiệu đã gửi danh sách lên sở GD&ĐT để phê duyệt đối tượng phù hợp theo quy định. Ngoài ra, cấp THPT năm học này lớp 11 không có học sinh để tuyển”, thầy Phó Hiệu trưởng Đặng Bá Hải chia sẻ.

Trường THCS & THPT DTNT Hà Tĩnh hiện có 20 giáo viên nhưng chưa có giáo viên môn Công nghệ, điều này tạo ra không ít lực cản cho thầy và trò trong việc thực hiện chương trình giáo dục.

Khó khăn là vậy, nhưng các trường vùng khó vẫn nỗ lực trong khả năng để chuẩn bị chu đáo năm học mới. Từ cuối tháng 7, cán bộ, giáo viên Trường THCS & THPT DTNT Hà Tĩnh đã tập trung vệ sinh trường lớp học, chuẩn bị tươm tất nhất có thể.

Công tác rà soát học sinh các khối cũng được triển khai quyết liệt để sau khi hoàn thành tuyển sinh, trường sẽ vận động trường hợp khó khăn ra lớp. Hiện tại, ngoài nguồn hỗ trợ chính sách nhà trường chủ động kết nối với doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ thêm những suất quà đầu năm nhằm động viên học sinh vùng dân tộc…

“Để bảo đảm học trò trở lại trường lớp đạt tỷ lệ 100% vào ngày tựu trường và khai giảng, ban giám hiệu đã phân công giáo viên rà soát, liên hệ trước với gia đình, địa phương nơi học sinh cư trú để động viên, nhắc nhở đảm bảo sĩ số trong năm học mới”, thầy Đặng Bá Hải cho biết.

“Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên được phân công dạy lớp 5, 9, 12 và cán bộ quản lý giáo dục; nội dung nhấn mạnh đến phương pháp giảng dạy bộ sách được các đơn vị lựa chọn, giúp cán bộ quản lý, giáo viên nắm bắt rõ kế hoạch bài dạy của Chương trình GDPT 2018. Với tinh thần đổi mới tích cực, ngành GD-ĐT Hậu Giang quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2024 - 2025”, bà Trần Thị Huyền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.