Đẩy nhanh chuẩn bị trường lớp đón năm học mới

GD&TĐ - Các địa phương đang tập trung nguồn lực chuẩn bị trường lớp cho năm học 2023 - 2024.

Sửa chữa trường lớp chuẩn bị năm học mới tại huyện Đông Hải, Bạc Liêu.
Sửa chữa trường lớp chuẩn bị năm học mới tại huyện Đông Hải, Bạc Liêu.

Ưu tiên hàng đầu là đầu tư theo hướng đạt chuẩn, đảm bảo triển khai chương trình mới.

Chủ động xây mới, sửa chữa

Chuẩn bị trường lớp cho năm học mới, tỉnh Tiền Giang chủ động đầu tư xây mới các phòng học và sửa chữa nhiều hạng mục như cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh; rà soát mua sắm trang thiết bị tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT 2018. Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, cho biết, tỉnh đầu tư cơ sở vật chất trường học với tổng kinh phí trên 2.500 tỷ đồng. Hiện, 100% các trường tiểu học đã được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học tối thiểu dành cho khối lớp 1 với tổng kinh phí 117 tỷ đồng.

Theo ông Lê Quang Trí, để đáp ứng chương trình mới, ngành Giáo dục cùng các địa phương trong tỉnh tiến hành rà soát, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là vấn đề thiếu phòng học 2 buổi/ngày, phòng chức năng, bộ môn. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp ở bậc mầm non là 53 công trình với trên 1.100 tỷ đồng; bậc tiểu học 64 công trình, trị giá trên 1.064 tỷ đồng; THCS là 48 công trình 1.007 tỷ đồng; bậc THPT 20 công trình 441 tỷ đồng.

Thống kê từ Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, tỉnh hiện có 8.178 phòng học và phòng chức năng; trong đó có 7.601 phòng kiên cố và 577 phòng bán kiên cố, không có phòng học tạm. Theo bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, tỉnh đã đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình GDPT 2018 cho khối lớp 1, lớp 2 và các phòng Ngoại ngữ, Tin học cho cấp THCS, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường học chỉ đáp ứng các yêu cầu cơ bản nhất, để thực hiện phục vụ chương trình mới.

Theo bà Vân, nguyên nhân do phần lớn cơ sở vật chất chưa hoàn chỉnh, đồng bộ theo quy định, nhiều trường học chưa đủ số phòng học bộ môn, khu phục vụ học tập, hiệu bộ. Nhiều trường có phòng học xây dựng cơ bản hết hạn sử dụng, xuống cấp cần cải tạo nâng cấp, thay thế. Việc mở rộng hệ thống trường có tổ chức bán trú cho học sinh còn khó khăn. Để tháo gỡ, Sở GD&ĐT Trà Vinh hoàn thành dự thảo Đề án tăng cường cơ sở vật chất trường học phục vụ Chương trình GDPT mới giai đoạn 2022 - 2025. Với mục tiêu đạt chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất theo quy định, địa phương cần nguồn kinh phí hơn 2.600 tỉ đồng - vượt quá khả năng cân đối bố trí vốn của địa phương.

Trường Tiểu học Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) được xây dựng khang trang.

Trường Tiểu học Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) được xây dựng khang trang.

Đầu tư phù hợp từng cấp học

Chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) dành nguồn kinh phí hơn 60 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho 18 điểm trường. Trong đó, 16 tỷ đồng tiến hành sửa chữa, nâng cấp, đầu tư bàn ghế cho 14 trường; còn lại sẽ đầu tư mở rộng, xây dựng mới phòng học ở 4 điểm trường.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, các trường được tập trung đầu tư nhằm hướng đến việc đảm bảo công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là chuẩn bị cho công tác tái công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hiện, các công trình được khẩn trương xây dựng; trong đó, các công trình nâng cấp, sửa chữa trên tinh thần sớm hoàn thành để đảm bảo phục vụ cho năm học mới.

Cô Đoàn Thị Thu Ba, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Châu Thành A (huyện Châu Thành, Sóc Trăng), cho biết: Tổng diện tích trường học được mở rộng khoảng 7.000m2, dãy phòng học cũ và mới đảm bảo mỗi lớp học có 1 phòng học cố định, thuận tiện cho trường trong việc triển khai các khối lớp học 2 buổi/ngày. Trường cũng được đầu tư khu vực bếp, nhà ăn và thiết bị nấu, dự kiến sẽ tổ chức bán trú cho tất cả các khối lớp trong năm học tới.

Theo bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD&ĐT Bạc Liêu, toàn tỉnh có 222/270 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 82,22%. So với thời đểm cuối tháng 12/2020 đã tăng 25 trường. Tuy nhiên, trong số trường công nhận đạt chuẩn quốc gia nêu trên, có 35 trường đã hết thời gian được công nhận. Nguyên nhân chủ yếu bởi cơ sở vật chất của các trường chưa đáp ứng tiêu chuẩn mới theo quy định của Bộ GD&ĐT…

“Khó khăn khác của tỉnh là số trường có quy mô nhỏ còn khá nhiều, nhất là cấp học mầm non nên tỷ lệ huy động trẻ đến trường còn thấp so với các tỉnh trong khu vực”, bà Lâm Thị Sang cho biết.

Chuẩn bị năm học 2023 - 2024, đặc biệt việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, tỉnh Bạc Liêu đầu tư cơ sở vật chất, trường học theo hướng kiên cố, đảm bảo cơ cấu các khối công trình phù hợp cho từng cấp học. Tính riêng năm 2021, 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 311 phòng học, 171 phòng chức năng, thực hiện sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp... với tổng kinh phí trên 569 triệu đồng. Hiện, toàn tỉnh có hơn 5 nghìn phòng học, phòng bộ môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.