Ngoài đầu tư CSVC, trang thiết bị, nhiều trường ĐH, trong đó có không ít các trường ĐH ngoài công lập như Trường ĐH Duy Tân đã xây dựng chế độ đãi ngộ, khen thưởng; tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học đúng nghĩa để khuyến khích giảng viên, nhà nghiên cứu có bài báo công bố quốc tế lọt vào danh mục ISI/SCOPUS.
Đơn đặt hàng từ tạp chí ROPP – Vương quốc Anh
Bài báo “Pairing in excited nuclei: A review” của nhóm tác giả PGS.TS Nguyễn Quang Hưng - tác giả liên hệ, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng (IFAS) của Đại học (ĐH) Duy Tân; TSKH Nguyễn Đình Đăng (Viện RIKEN, Nhật Bản), và GS.TS Luciano Moretto (Trường ĐH California Berkeley và Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, Mỹ) do Tạp chí Reports on Progress in Physics (ROPP) của Nhà xuất bản IOPScience, Vương quốc Anh đặt hàng. ROPP là một tạp chí khoa học uy tín, có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Vật lý, với chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor) năm 2017 lên đến 14.257 (cao hơn một công bố lớn cũng của PGS.TS Nguyễn Quang Hưng trước đây trên Physical Letters Review).
PGS.TS Nguyễn Quang Hưng cho biết: “Ngay khi được Ban Biên tập Tạp chí Reports on Progress in Physics đặt hàng viết về một hướng nghiên cứu mà nhóm đã có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi đã cùng các đồng nghiệp tổng hợp các kết quả khoa học cùng những định hướng nghiên cứu tiếp theo trong tương lai để viết bài báo “Pairing in excited nuclei: A review” nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin về hướng nghiên cứu này một cách thống nhất, chuyên sâu và đa dạng nhất. Bản thảo bài báo được tạp chí ROPP chấp nhận đăng có độ dài 48 trang theo định dạng 2 cột với 115 công thức, 59 hình vẽ, và 190 tài liệu tham khảo”.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Hưng,“Pairing in excited nuclei: A review” là bài báo dạng tổng quan với nội dung mang tính liên ngành theo yêu cầu của tạp chí. “Ngôn ngữ viết phải thật đơn giản, dễ hiểu cho ngay cả những người không trong cùng chuyên ngành nghiên cứu. Do vậy, độ dài của một bài báo như vậy thường tương đối dài. Nhóm tác giả đã phải mất thời gian gần 1 năm để hoàn thiện bản thảo đầu tiên của bài báo” – PGS.TS Nguyễn Quang Hưng chia sẻ.
Chính sách đãi ngộ - đòn bẩy thúc đẩy NCKH và công bố quốc tế
TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết, ngoài đầu tư phòng lab, nhà trường còn xây dựng cơ chế chính sách cho các nhà nghiên cứu, đảm bảo cho các nhà khoa học được phát huy tính sáng tạo và đảm bảo họ phải sống được bằng chính năng lực khoa học của họ. Bắt đầu từ năm 2009, Trường ĐH Duy Tân xây dựng lại chiến lược phát triển, đánh giá lại đội ngũ, những cán bộ giáo viên chuyên môn hóa NCKH – giảng dạy thì sẽ chủ yếu tập trung vào NCKH, nghiên cứu những công trình ngoài trường, tham gia giảng dạy chỉ đạt định mức tối thiểu; nhóm giảng viên giảng dạy - nghiên cứu thì các công trình nghiên cứu sẽ phục vụ cho việc giảng dạy và ở cấp cơ sở.
“Những giảng viên nào không nằm trong hai nhóm này sẽ phải chuyển đổi vị trí công tác. Nếu trong khoảng 2 - 3 học kỳ liên tục, giảng viên không có sản phẩm NCKH cũng sẽ bị chuyển đổi vị trí. NCKH của các trường ĐH phải được xem là nhiệm vụ bắt buộc thì mới thúc đẩy các giảng viên làm việc, sáng tạo” – TS Hải khẳng định.
“Thu nhập của các nhà nghiên cứu phải cao hơn hệ giảng viên và được tính vào lương chứ không chỉ dừng lại ở việc khen thưởng đột xuất khi có kết quả. Chúng tôi ý thức rằng, có nhiều tiền cũng chưa chắc đã NCKH được, nên việc “treo thưởng” tiền tỉ cũng chưa chắc đã thu hút được nhà khoa học đầu quân về trường nếu không tạo dựng được một môi trường NCKH đúng nghĩa” – TS Hải chia sẻ.
Chính vì vậy, Trường ĐH Duy Tân đã thành lập nhóm nghiên cứu theo những lĩnh vực chuyên ngành của từng cá nhân và có chính sách hỗ trợ, đầu tư cho cán bộ, giảng viên tham gia hội nghị - hội thảo chung với các nhóm nghiên cứu của các trường ĐH mà giảng viên nhà trường hợp tác được. Hiện, nhà trường có các mô hình nhóm nghiên cứu của giảng viên ĐH Duy Tân, nhóm nghiên cứu giảng viên – sinh viên và nhóm nghiên cứu giảng viên – doanh nghiệp ở các lĩnh vực điện tử viễn thông, an ninh mạng và sinh học.