Để "trường lớn" không chê chuyên môn giáo viên vùng khó

GD&TĐ - Có thể nói, sinh hoạt chuyên môn ở nhà trường phổ thông đóng một vai trò vô cùng quan trọng và là nhiệm vụ mang tính chất bắt buộc đối với tất cả giáo viên nhằm phát triển năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Để "trường lớn" không chê chuyên môn giáo viên vùng khó

Hoạt động này càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông đã, đang áp dụng, triển khai nhiều đổi thay, cải tiến lớn từ nội dung đến phương pháp dạy học. Song trên thực tế hiện nay, việc sinh hoạt chuyên môn ở không ít nhà trường còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Đó là tình trạng hành chính hóa, hình thức, đơn điệu về nội dung cũng như cách thức tổ chức.

Nhiều trường học, chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, với quy mô nhỏ từ 12 lớp trở xuống thì số lượng thầy, cô giáo có cùng chuyên môn rất ít (1 người hoặc 2 người) nên phần nào đó ảnh hưởng không tốt đến chất lượng của các buổi sinh hoạt chuyên môn. Các thầy cô giáo ở những khu vực khó khăn nói trên chỉ còn biết tự biên, tự diễn, ít có điều kiện, cơ hội trao đổi, học hỏi với những đồng nghiệp có cùng chuyên môn. Tất nhiên, năng lực chuyên môn, phương pháp dạy học của họ bị hạn chế, mai một nhiều theo thời gian.

Chính vì thế, các địa phương, nhà trường ở những nơi kinh tế phát triển, quy mô trường lớp lớn thường “chê” một số giáo viên từ miền núi, vùng cao được thuyên chuyển đến, âu cũng là điều dễ hiểu.

Nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại trên, nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi đã và đang thực hiện giải pháp sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thao giảng theo cụm, theo liên trường. Một giải pháp hết sức cần thiết, giúp cho các thầy, cô giáo thêm vững vàng, tự tin trong hoạt động chuyên môn qua việc được học hỏi, tiếp cận cái mới, cái hay từ các anh, chị em, đồng nghiệp. Bước đầu giải pháp này đã đem lại những hiệu ứng, kết quả tích cực, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên càng hào hứng, phấn khởi mỗi khi có tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm, liên trường.

Ngay từ đầu năm học, các Phòng, Sở GD&ĐT củng cố, kiện toàn lại nhân sự, con người cho các tổ nghiệp vụ các bộ môn và đề ra nhiệm vụ, phương hướng, kế hoạch hoạt động cụ thể cho cả năm học. Nếu lựa chọn được những tổ trưởng, tổ phó có năng lực tốt, nhiệt tình, say mê với công tác chuyên môn, biết tổ chức, điều hành, gợi mở, định hướng hoạt động của nhóm, tổ bộ môn thì nhất định những buổi sinh hoạt chuyên môn sẽ thành công, các thầy, cô giáo sẽ tập trung, hăng hái tham gia thảo luận, trao đổi, làm sáng tỏ các nội dung cần thiết nhất trong dạy - học như các nội dung, vấn đề khó, cách đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh…

Từng giáo viên chủ động, tích cực nhập cuộc, đưa ra nhiều cách làm mới, phương án hay, thực hiện các tiết dạy mẫu theo bài học minh họa, chủ đề tích hợp… và cùng nhau trao đổi, bàn luận sôi nổi rồi đi đến thống nhất cho việc áp dụng, triển khai đại trà ở các đơn vị. Về tới trường, lại cần đến sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, động viên, cổ vũ kịp thời của Ban Giám hiệu để kích thích, nhân rộng những học hỏi, vận dụng của giáo viên vào thực tiễn, trường lớp của mình.

Chỉ có sự phối hợp, cộng hưởng tốt từ tổ nghiệp vụ bộ môn, bản thân từng nhà giáo đến các lãnh đạo nhà trường mới giúp cho chuyên môn, tay nghề của nhà giáo và chất lượng dạy - học ở các địa phương, nhà trường, nơi còn gian khó theo kịp các địa phương, trường lớp, nơi phát triển, thành thị. Mong sao, mỗi thầy cô giáo và cán bộ quản lý ở trường học phổ thông đều có chung nhận thức đúng đắn và hành động thiết thực cho giải pháp sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, liên trường hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ