Xây dựng mạng lưới kết nối để làm tốt công tác thanh tra ngành Giáo dục

GD&TĐ - Để công tác thanh tra, pháp chế được thuận lợi, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ đề nghị xây dựng mạng lưới chỉ đạo điều hành và kết nối, chia sẻ.

Quang cảnh Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra đối với công chức, viên chức các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.
Quang cảnh Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra đối với công chức, viên chức các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.

Ngày 23/9, tại Đà Lạt, Bộ GD&ĐT tiếp tục Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra đối với công chức, viên chức các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.

Tại Hội nghị, các thành viên tham gia đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến 3 nội dung chuyên đề, gồm: tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra nội bộ và Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục; kỹ năng tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Trả lời câu hỏi: “Báo chí nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo từ tổ chức, cá nhân, sau đó đề nghị đơn vị liên quan giải trình những thông tin tố cáo thì xử lý như thế nào ?”, Nguyên Phó chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Trúc cho rằng, căn cứ vào Luật quy định nếu cho phép cung cấp thông tin thì các cơ quan, cá nhân trao đổi với báo chí. Tuy nhiên, nếu Luật không cho phép, hoặc vượt quá thẩm quyền thì phải xin ý kiến người có thẩm quyền để xem xét có cung cấp hay không và cung cấp những nội dung gì…

Nguyên Phó chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Trúc trả lời thắc mắc của các thành viên tham dự hội nghị.

Nguyên Phó chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Trúc trả lời thắc mắc của các thành viên tham dự hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ - Nguyễn Viết Lộc đánh giá rất cao sự tham gia đầy đủ, tập trung nghiêm túc và trao đổi nhiệt tình của các đại biểu và thành viên.

Theo Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, ban tổ chức, báo cáo viên đã cố gắng lựa chọn nội dung báo cáo với hội nghị. Tuy nhiên, lĩnh vực thanh tra có rất nhiều nội dung, nhưng thời gian hạn chế nên chỉ đáp ứng được một phần kỳ vọng của thành viên. Do đó, ban tổ chức sẽ tiếp tục trao đổi, giải đáp thắc mắc của thành viên thông qua nhiều hình thức khác nhau để nội dung thanh tra ngày càng hoàn thiện.

Từ những kết quả nêu trên, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ đề nghị các thành viên với chức năng làm công tác thanh tra, pháp chế thuộc và trực thuộc Bộ GD&ĐT là đơn vị đầu mối tham mưu cho lãnh đạo của mình 5 nội dung sau:

Thứ Nhất: Trong xu thế đẩy mạnh phân cấp, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ có Nghị định mới và rất khác Nghị định 69 hiện hành. Bên cạnh đó, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy….

Thứ Hai: Trong 2 năm vừa qua đã có những quy định mới, Luật mới được ban hành nên đề nghị thành viên tham dự Hội nghị tham mưu lãnh đạo rà soát hệ thống quản lý điều hành. Trong đó, chú ý hệ thống văn bản liên quan đến thanh tra, kiểm tra…

Thứ Ba: Đề nghị các đơn vị thường xuyên, định kì có báo cáo kiến nghị với Bộ GD&ĐT về sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi hành lang pháp lý, văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm tra và xử lý khiếu nại, tố cáo.

Thứ Tư: Tham mưu lãnh đạo về kế hoạch tập huấn, phổ biến, truyền thông cho cán bộ viên chức, người trực hoặc gián tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát… Qua đó, để tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra và xử lý khiếu nại, tố cáo để đáp ứng nhu cầu khi có nhiều văn bản pháp luật mới.

Thứ Năm: Đề nghị thanh tra Bộ GD&ĐT làm đầu mối xây dựng mạng lưới những người làm công tác thanh tra, pháp chế của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Qua đó tạo được kênh để Bộ GD&ĐT chỉ đạo kịp thời, đồng thời các đơn vị có thể chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ