Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về sự nghiệp giáo dục

GD&TĐ - Cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó xác định giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.

Cô - trò Trường tiểu học Trần Quang Cơ (Quận 12, TP Hồ Chí Minh).
Cô - trò Trường tiểu học Trần Quang Cơ (Quận 12, TP Hồ Chí Minh).

Kiến tạo môi trường cho nhà giáo phát triển

Theo TS Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Nhà giáo đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024.

Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 8 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Hiện, lĩnh vực giáo dục có nhiều đạo luật điều chỉnh như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức...

TS Nguyễn Văn Hiển nhìn nhận, dự án Luật Nhà giáo có nhiều nội dung giao thoa với các luật, bộ luật khác trong hệ thống pháp luật. Các cơ quan chủ trì thẩm tra, chủ trì soạn thảo, rất cần nhận được nhiều ý kiến góp ý về các chính sách lớn của dự thảo luật; về đối tượng, phạm vi điều chỉnh; sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật… để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật.

Viện Nghiên cứu Lập pháp sẽ tổng hợp khách quan, đầy đủ các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học góp ý với dự thảo Luật Nhà giáo để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi đến cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo Luật này.

Tại hội Hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà giáo do Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Khoa Luật Hiến pháp và Luật Hành chính (Trường ĐH Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đồng tình với sự cần thiết xây dựng luật này.

Qua đó, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó xác định giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, khẳng định vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với nâng cao chất lượng giáo dục – yếu tố quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho nhà giáo phát triển.

IMG_0773.JPG
Một lớp học của Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên).

Không chồng chéo với các luật hiện hành

PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần làm rõ phạm vi điều chỉnh; đảm bảo thống nhất, không chồng chéo giữa dự thảo Luật Nhà giáo với các luật hiện hành trong đó có Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Viên chức, Bộ Luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp...

Ngoài ra, cần định hình rõ khái niệm nhà giáo, nhấn mạnh nhà giáo là người trực tiếp tham gia giảng dạy “trong hệ thống giáo dục quốc dân”; cần có các quy định để nhà giáo có động lực, mục tiêu phấn đấu, giúp nhà giáo tự do hoạt động khoa học và giảng dạy...

Bên cạnh đó, cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, nổi trội của nhà giáo, có chính sách thu hút nhân tài đặc biệt tham gia vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo; các chính sách cần công bằng, bình đẳng giữa hệ thống đào tạo công lập và ngoài công lập...

Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều, bám sát 05 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ. Mục đích xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”; phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là trọng tâm, xuyên suốt; xây dựng đội ngũ nhà giáo, tạo động lực cho người dạy, học và tôn vinh nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.

Việc xây dựng luật cũng nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đồng thời phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển của giáo dục, khoa học, công nghệ trên thế giới để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; bảo đảm thống nhất công tác quản lý và bảo đảm chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo là người Việt Nam và nhà giáo là người nước ngoài.

Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo quy định về nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; quản lý nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ