Xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản: Bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế

GD&TĐ - Dự thảo xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản là căn cứ pháp lý nhằm bảo đảm an ninh, môi trường, văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Luật Địa chất và Khoáng sản ra đời là căn cứ pháp lý nhằm bảo đảm an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Luật Địa chất và Khoáng sản ra đời là căn cứ pháp lý nhằm bảo đảm an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Xây dựng chính sách để quản lý

Quốc hội vừa thảo luận một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Trong đó, tập trung một số nội dung chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản; quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác; trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản; điều chỉnh quy hoạch khoáng sản; giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp cho một tổ chức; quản lý các nhóm khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản...

Đối với một số ý kiến liên quan đến bất cập của quy hoạch bôxít hiện nay mà các đại biểu Quốc hội nêu. Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ TN&MT chia sẻ với khó khăn của các địa phương do đang gặp phải những vướng mắc của quy hoạch bôxít. Các loại khoáng sản đặc thù như bôxít, titan phân bố rất rộng, chiều sâu không lớn cần phải đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là các yếu tố tác động khi tổ chức lập quy hoạch, để tránh khi quy hoạch được phê duyệt rồi lại có vướng mắc liên quan đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tại phiên thảo luận, ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ TN&MT nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và có báo cáo giải trình đầy đủ để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi báo cáo Quốc hội xem xét để thông qua dự án luật này.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT là cơ quan soạn thảo sẽ tiến hành rà soát kỹ lưỡng, giải thích từ ngữ và biên tập sao cho dễ hiểu, thống nhất trong các điều luật. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đồng tình với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, đồng thời nêu dẫn chứng: Đơn cử cùng là khoáng sản kim loại nhóm I, thì khoáng sản chiến lược có đất hiếm, vonfram; hay có một số khoáng sản có tính chất đặc thù như bôxít, titan…

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng thống nhất với các đại biểu cần có phương thức quản lý sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản về quy trình, thủ tục hành chính khi đề cập tới khoáng sản nhóm 4 làm vật liệu xây dựng, san lấp.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ TN&MT đang nghiên cứu để xây dựng, hướng tới đưa ra những khung chính sách riêng, đặc thù và chiến lược để quản lý các loại khoáng sản. Bộ TN&MT khẳng định, mục tiêu cuối cùng của Luật là phân công như thế nào để việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch phải được tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về khoáng sản.

Đây là quy định hết sức cần thiết, đặc biệt với quy hoạch khoáng sản khi trong nhiều trường hợp do đã lập quy hoạch dựa trên số liệu điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản nhưng trong quá trình thăm dò và khai thác có thể số liệu thay đổi.

Hiện, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch, giao Bộ Công Thương, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, xác định những vị trí không thực sự phù hợp hoặc trữ lượng khoáng sản không lớn để có thể đưa ra khỏi quy hoạch bảo đảm cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác.

xay-dung-luat-dia-chat-va-khoang-san-bao-dam-an-ninh-phat-trien-kinh-te-1.jpg
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy.

Luật bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế…

Nói về Luật Khoáng sản năm 2010, đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc phải bổ sung tại điểm đ khoản 1 Điều 8 của Luật.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin: Tại Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định 158 đã quy định trách nhiệm về việc hỗ trợ chi phí cho địa phương để xây dựng các công trình hạ tầng được hạch toán vào chi phí sản xuất và trên thực tế đã thực hiện như vậy.

Thế nhưng, luật lại không quy định rõ thẩm quyền cơ quan nào sẽ quy định nghĩa vụ hỗ trợ đóng góp cho địa phương. Vì vậy, trong dự thảo luật lần này sẽ thiết kế căn cứ vào tình hình hoạt động khoáng sản thực tế tại địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trách nhiệm hỗ trợ kinh phí để đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình bảo vệ môi trường.

Theo Bộ trưởng Duy, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ làm rõ thêm và mong muốn đại biểu Quốc hội đồng thuận với nội dung thiết kế của điểm d khoản 1 Điều 8 trong dự thảo. “Quy định như trong dự thảo hiện nay là Thủ tướng Chính phủ quyết định dựa trên ý kiến của Bộ TN&MT và các bộ, ngành có liên quan, phù hợp với điều kiện thực tiễn và thực tế quyết định này nhiều năm mới ban hành một lần”, Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.

Tại Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản lần này, đại biểu có ý kiến về thời hạn cấp giấy phép khai thác là 30 năm và có thể được gia hạn tối đa 20 năm đến 50 năm là ngắn. Về ý kiến này, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, quy định thời gian như vậy sẽ cộng cả thời gian cấp giấy phép lần đầu và thời gian gia hạn giấy phép tối đa là 50 năm, bằng với thời gian của dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư…

Liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, bản chất của tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đó là khi khoáng sản nằm trong lòng đất là tài nguyên quốc gia, là sở hữu toàn dân và khi đưa ra khỏi vị trí trong lòng đất để đưa sang các hoạt động chế biến, kinh doanh, khi đó sẽ chuyển từ sở hữu toàn dân thành sở hữu của tổ chức, cá nhân, là sở hữu riêng.

“Cùng một nhóm khoáng sản loại I mà quy định chi tiết trong Luật đến cả danh mục ví dụ như nhóm 1A, nhóm 1B thì sẽ khó khăn. Hôm nay có thể là khoáng sản thông thường nhưng ngày mai lại trở thành khoáng sản chiến lược, như vậy sẽ dẫn đến khó trong việc điều chỉnh về phân nhóm, phân loại này”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.