Xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên ngành sư phạm

GD&TĐ - Cử tri thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, có kế hoạch đào tạo giáo viên (GV) ngành sư phạm (SP) vừa đáp ứng nhu cầu giảng dạy và không gây lãng phí kinh phí đào tạo.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Để bảo đảm công tác đào tạo SP gắn với nhu cầu sử dụng GV của các địa phương, hạn chế tối đa tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành SP ra trường không có việc làm hoặc phải làm trái ngành, trái nghề; đồng thời, thu hút học sinh vào học các ngành SP và đào tạo GV ngành SP vừa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và không gây lãng phí kinh phí đào tạo, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Rà soát, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo GV theo hướng tập trung thu gọn, giảm đầu mối, tránh trùng lặp chức năng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng GV được tích hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo GV giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2035 theo Luật quy hoạch và định hướng của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2019 - 2030 (Quyết định số 89/QĐ-TTg).

Giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo các ngành SP theo đề xuất của các địa phương, từng bước giải quyết tình trạng đào tạo dư thừa (việc này được thực hiện từ năm 2019). Chỉ đạo cơ sở đào tạo GV triển khai thực hiện tốt Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, CĐ ngành Giáo dục mầm non năm 2020. Trong đó nhấn mạnh các trường SP sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp mà chỉ tuyển sinh trình độ CĐ ngành Giáo dục mầm non.

Đồng thời, tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với các ngành đào tạo GV, sức khỏe; áp dụng với các loại hình tuyển sinh... để sinh viên SP sau khi tốt nghiệp sẽ bảo đảm được chuẩn đầu ra, được địa phương tuyển dụng, bố trí phân công công tác.

Thực hiện Nghị định số 116/2020 NĐ-CP, từ năm học 2021 - 2022, sinh viên SP ngoài được hỗ trợ học phí, còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng; đồng thời, các địa phương được chủ động đặt hàng đào tạo với trường SP, chủ động trong chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nên địa phương hoàn toàn chủ động được nguồn tuyển dụng GV. Đồng thời, đây cũng là yếu tố quan trọng để thu hút học sinh, đặc biệt là học sinh giỏi vào học SP trong những năm tới.

Sửa đổi, ban hành quy định mới về xếp lương theo chuẩn trình độ được đào tạo của GV mầm non theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019. Việc này sẽ khắc phục được bất cập trong xếp lương với GV mới được tuyển dụng có trình độ ĐH vẫn xếp ở hệ số lương khởi điểm 1,86 đối với GV mầm non, tiểu học và hệ số lương khởi điểm 2,10 đối với GV THCS. Việc xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo giúp GV mới ra trường tăng thu nhập; đây cũng là một trong những yếu tố thu hút sinh viên vào học SP.

Chỉ đạo các địa phương tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục xây dựng Đề án vị trí việc làm; rà soát, sắp xếp đội ngũ GV, chủ động có giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu GV và chuẩn bị chu đáo đội ngũ GV thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, ở nhiều địa phương có thêm chính sách thu hút, ưu tiên trong tuyển dụng như: Hỗ trợ nhà ở công vụ; hỗ trợ kinh phí tăng thu nhập qua lương hàng tháng; tuyển dụng GV ở những địa phương khác không cần có hộ khẩu… để không để xảy ra tình trạng có học sinh mà không có GV giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.