Theo kế hoạch, việc nâng chuẩn GV của Hải Phòng sẽ về đích sớm hơn so với quy định đề ra.
Xây dựng lộ trình nâng chuẩn
Luật Giáo dục 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn trong nâng hạng, nâng chuẩn GV. Cụ thể, GV mầm non phải có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm; GV tiểu học và THCS có bằng cử nhân ngành đào tạo GV trở lên.
Theo Kế hoạch số 681/KH-BGDĐT ngày 28/8/2020 của Bộ GD&ĐT về Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 1 (2020 - 2025), đến ngày 31/12/2025 đạt ít nhất 60% số GV mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm; 50% GV tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân; 60% số GV THCS đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.
Từ việc xây dựng thành công cơ sở dữ liệu ngành, Sở GD&ĐT Hải Phòng nhanh chóng xác định được số liệu thừa thiếu GV theo từng trường, từng môn học; cơ cấu GV theo trình độ, độ tuổi từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019.
Theo thống kê từ Sở GD&ĐT Hải Phòng, toàn thành phố hiện có 32.141 GV, thực hiện Luật Giáo dục 2019, số GV chưa đạt chuẩn bậc mầm non: 2.346/12.796 người; bậc tiểu học 1.543/8.496 GV; bậc THCS: 445/6.564 GV.
Trên cơ sở số liệu thống kê, sở GD&ĐT triển khai xây dựng Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, GV đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030)”. Đề án tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục công lập, tư thục. Đối tượng đề án hướng tới là GV đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non; trường tiểu học, THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt…
Việc đào tạo sẽ bảo đảm chuẩn hóa về trình độ và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; triển khai Chương trình GDPT năm 2018, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP Hải Phòng.
Lộ trình cụ thể đến hết năm 2025, Hải Phòng sẽ có 100% số GV mầm non đang được đào tạo/đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (hoặc cao hơn), tương đương 2.346 người; 100% số GV tiểu học đang được đào tạo/đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân, tương đương 1.543 người; 100% số GV THCS đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân, tương đương 445 người.
Hải Phòng phấn đấu đào tạo bổ sung số GV thay thế GV nghỉ hưu; đào tạo bổ sung số GV còn thiếu theo cơ cấu môn học. Ước tính, giai đoạn 2025 - 2030, thành phố cần bổ sung 1.080 GV mầm non. Cấp tiểu học sẽ đào tạo bổ sung mới 1.694 GV ở các môn: Âm nhạc, Tin học, Tiếng Anh, Tổng phụ trách Đội, Mỹ thuật, Thể dục. Cấp THCS sẽ bổ sung 1.500 GV ở 18 môn học như: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử…
Linh hoạt hình thức đào tạo
Trường THCS Trần Phú, quận Kiến An có tỷ lệ GV đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019 từ sớm. Theo cô Nguyễn Thị Tuyết Lan - Hiệu trưởng nhà trường, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, các thầy cô giáo trong trường đều phấn đấu hoàn thiện trình độ, đến nay 100% GV có trình độ ĐH.
Tuy nhiên, không ít trường GV chưa đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật mới, nhiều trường “trắng” GV ở một số môn học. Thầy Vũ Tiến Hưng - Hiệu trưởng Trường THCS Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) chia sẻ: Trường hiện có 1 GV trình độ CĐ và thiếu 3 chỉ tiêu. Các môn “trắng” GV là Giáo dục công dân, Âm nhạc, Công tác đoàn đội. Ban giám hiệu Trường THCS Ngũ Phúc mong muốn nhanh chóng được bổ sung nguồn lực, để bắt nhịp Chương trình GDPT 2018.
Ông Nguyễn Anh Thuấn - Trưởng phòng GDTX-CN&ĐH, Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết: Đề án về nâng chuẩn trình độ GV được sở GD&ĐT xây dựng. Tuy nhiên, đây là số liệu sơ bộ, sau khi tổ chức hội thảo xác định lại lộ trình và số liệu chính xác, sở sẽ trình UBND TP phê duyệt. Từ đó, sở GD&ĐT sẽ tính toán chương trình đào tạo phù hợp, để GV có thời gian vừa tham gia giảng dạy, vừa có thể học tập nâng chuẩn. Sở sẽ linh hoạt hình thức đào tạo trực tiếp, trực tuyến, thậm chí là học từ xa.
Bên cạnh đó, lộ trình tuyển mới đội ngũ đáp ứng được yêu cầu, phù hợp với điều kiện của Luật Giáo dục 2019 được ngành Giáo dục Hải Phòng vạch ra. Tuy nhiên, bài toán mà lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng trăn trở là thiếu hụt nguồn nhân lực ngành sư phạm trong tương lai không xa. Bởi thực trạng, người học không còn mặn mà với ngành sư phạm do thu nhập thấp. Thực tế tại huyện Thủy Nguyên đã có nhiều GV mầm non bỏ nghề đi làm tại các khu công nghiệp.