Sức bật mới trong tuyển sinh ngành Sư phạm

GD&TĐ - Với cơ chế chính sách về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào và học phí, bức tranh tuyển sinh ngành sư phạm đang ngày càng khởi sắc và có sức bật mới. Số thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo GV không ngừng tăng.

Ngành sư phạm vẫn có sức hút riêng. Ảnh minh họa: ITN
Ngành sư phạm vẫn có sức hút riêng. Ảnh minh họa: ITN

Qua thời chuột chạy cùng sào...

GS.TS Nguyễn Văn Minh– Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định, quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với ngành đào tạo GV là chủ trương đúng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn tuyển. Hiện nay, toàn ngành Giáo dục chú trọng nâng cao chất lượng GD- ĐT, trọng tâm là thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

Một trong những yếu tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới GD-ĐT là đội ngũ thầy, cô giáo. Trên tinh thần đó, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai đồng thời hai việc: Bồi dưỡng GV hiện có để đáp ứng Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới và chuẩn bị nguồn nhân lực để có thể thực hiện tốt đổi mới GD-ĐT. “Đầu vào không phải tất cả, nhưng đó là một trong những điều kiện cần để chúng ta có cơ sở, để HS có năng lực sẽ được làm thầy, cô giáo” – GS.TS Nguyễn Văn Minh nói. 

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, từ khi đặt ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo GV đến nay, số thí sinh có điểm cao, thậm chí rất cao vẫn đăng ký vào trường sư phạm. Đơn cử, tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, công tác tuyển sinh đang có chiều hướng tốt. Có những năm ngành Sư phạm Toán điểm chuẩn lên đến hơn 29 điểm. Nhiều HS giỏi quốc gia cũng đăng ký vào trường; đặc biệt năm 2019, có thí sinh đạt Huy chương Vàng Toán quốc tế đã vào học Trường ĐH Sư phạm  Hà Nội. 

“Năm nay, ngoài  thí sinh giỏi đến từ trường THPT chuyên các tỉnh, thành phố, có rất nhiều thí sinh được giải quốc gia đăng ký vào trường. Điều đó cho thấy, bức tranh tuyển sinh của ngành sư phạm cũng có sức hút riêng. Qua đây cũng tác động đến hệ thống các trường đào tạo GV và đòi hỏi nhà trường phải thay đổi để thích ứng với thời cuộc”, GS.TS Nguyễn Văn Minh trao đổi.

Làm tốt “đầu vào” và “đầu ra”

Là chuyên gia về tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Phó trưởng khoa các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định: Ngành sư phạm đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều ngành khác, nhất là một số ngành “hot”.

Điều này ít nhiều chi phối  lựa chọn ngành nghề của thí sinh, nhất là HS giỏi. Thực tế cho thấy, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với SV sư phạm. Đây là yếu tố để thu hút người giỏi vào ngành Giáo dục.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, thời gian gần đây, khi những trường công lập được Nhà nước đầu tư theo hướng chất lượng cao, cùng với hệ thống các trường tư thục phát triển đã và đang tạo ra thị trường lao động năng động, sôi nổi. Đây cũng là yếu tố để thu hút thí sinh vào ngành sư phạm. “Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều ngành sư phạm sẽ có điểm chuẩn cao, chẳng hạn như: Sư phạm Toán, tiếng Anh, Giáo dục tiểu học…

Đây là những ngành “hot”, không bao giờ thiếu nguồn tuyển sinh” - PGS.TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ, đồng thời viện dẫn: Như Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), sau khi đổi mới tích cực về chất lượng đào tạo, tỷ lệ đầu vào và đầu ra khá tốt. Số SV ra trường có việc làm cao, góp phần thu hút nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển  vào trường.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà “bật mí”, theo thống kê chưa đầy đủ, riêng ngành Giáo dục tiểu học có khoảng 1.500 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là hơn 100 SV. Điều đó cho thấy, công tác tuyển sinh của ngành sư phạm không như nhiều người vẫn nghĩ “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Minh Thúy – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho hay: Có nhiều HS đam mê ngành sư phạm. Tại Trường Nguyễn Siêu, hầu như năm nào cũng có HS đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm và mong muốn được trở thành GV. “Mấy năm gần đây, ngành sư phạm có nhiều khởi sắc, chất lượng nguồn tuyển từng bước được cải thiện. Các cơ chế, chính sách của Nhà nước, Bộ GD&ĐT như “điểm sàn”, chính sách về học phí, sinh hoạt phí và một số ưu đãi khác với giáo sinh đã góp phần thu hút thí sinh đăng ký theo học ngành này” – cô Thúy nhấn mạnh, đồng thời tin tưởng bức tranh tuyển sinh của ngành sư phạm sẽ tươi sáng.

Tuy nhiên, theo cô Thúy, ngoài cơ chế chính sách học phí, cần làm tốt “hai đầu”: Đầu vào và đầu ra. Với đầu vào, chúng ta đã có ngưỡng  bảo đảm chất lượng (hay còn gọi là “điểm sàn”), còn đầu ra - nếu làm tốt sẽ thúc đẩy sự phát triển ngành sư phạm. “Nhiều em có đam mê, và mong muốn được là GV, nhưng cơ chế “đầu ra”, cơ hội việc làm và các chế độ đãi ngộ khác cho nhà giáo khiến các em lựa chọn ngành nghề khác. Vì thế, để giải quyết bài toán này, cần có cơ chế ưu đãi cho GV, để các em nhận thấy đây là ngành thực sự “hot” và quyết tâm theo học” – cô Thúy trao đổi.

Theo cô Nguyễn Thị Minh Thúy, gốc của vấn đề là tạo điều kiện cho ngành Giáo dục được phát triển như thế nào? Vì vậy, thu hút người học vào ngành sư phạm thông qua đầu tư và quan tâm đến đội ngũ GV hiện tại là việc nên làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.