Sáng 3/10, Thứ trưởng Ngô Thị Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ GD&ĐT đã chủ trì tọa đàm tham vấn, xin ý kiến về một số nội dung chính của quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật (NKT) và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hệ thống văn bản khá đầy đủ
Cùng dự có GS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học và nhiều chuyên gia đại diện cho các tổ chức của người khuyết tật, các tổ chức quốc tế quan tâm đến người khuyết tật tại Việt Nam.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, ngày 24/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 427/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mỗi ý kiến góp ý đều xuất phát từ tâm huyết của các đại biểu. |
Đó là một nhiệm vụ rất quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Giáo dục. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng cho việc dần dần Việt Nam chúng ta có thể bảo đảm được đầy đủ quyền được học tập và tiến đến là học tập có chất lượng đối với người khuyết tật.
Theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số, trong đó có 663 nghìn trẻ em khuyết tật từ 2-17 tuổi.
Bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng đối với NKT là một chủ trương được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chủ trương này thể hiện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: Hiến pháp 2013; Luật Giáo dục 2019, Đề án 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 về Chương trình hỗ trợ người khuyết tật và đặc biệt là Luật Người Khuyết tật 2010 cùng với một hệ thống văn bản quy định chính sách ưu tiên đối với NKT.
Các đại biểu tham dự tọa đàm bày tỏ ý kiến của mình về quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục cho người khuyết tật. |
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế như: Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1990; cam kết về việc mở rộng cơ hội giáo dục cho mọi người tại diễn đàn Dakar- Senegal năm 2000; Công ước về Quyền của NKT và cam kết thực hiện 7 lĩnh vực ưu tiên trong “Khuôn khổ hành động thiên niên kỉ Biwako hướng tới một xã hội hòa nhập, không vật cản vì quyền của NKT”.
Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan đã tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức tập huấn, triển khai kiểm tra, hỗ trợ các địa phương trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật.
Tại các địa phương, ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan tham mưu tích cực với UBND tỉnh/thành phố trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các quy định, các Đề án dự án.
Những nỗ lực đó thể hiện trên các phương diện: Hoạch định chính sách; tạo điều kiện để có thể triển khai nhiều phương thức giáo dục; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và công tác nghiên cứu giáo dục đặc biệt (đối với học sinh khuyết tật). Qua đó đạt được những thành tựu bước đầu trong việc xây dựng môi trường tiếp cận giáo dục bình đẳng, chất lượng cho NKT.
Những tín hiệu tích cực
Tọa đàm có sự tham dự của chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục Tiểu học và nhiều tổ chức của người khuyết tật trong nước và các tổ chức quốc tế. |
Có thể thấy, Luật Người khuyết tật 2010 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý quy định về NKT phù hợp với điều kiện trong nước và luật pháp quốc tế, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của NKT, tăng cường công tác quản lý nhà nước về NKT, tạo thuận lợi xã hội hóa hoạt động trợ giúp NKT, đảm bảo quyền tham gia bình đẳng và hòa nhập xã hội của NKT.
Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố năm 2018 về các mặt liên quan đến người khuyết tật, Việt Nam đều có tiến bộ, đặc biệt báo cáo này đã cho thấy tỷ lệ đi học đúng độ tuổi đối với cấp Tiểu học là 81,7%, trung học cơ sở là 67, 4%… Đây đều là những kết quả đáng mừng.
Quy hoạch này sau khi được chính chúng ta góp ý giúp cho nhóm thực hiện hoàn thiện, trình Bộ trưởng để Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng phê duyệt sẽ là cơ sở để các địa phương thiết lập một mạng lưới các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật là các cơ sở giáo dục chuyên biệt hoặc trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Thời gian qua, nhóm được giao nhiệm vụ của Vụ Giáo dục Tiểu học và Viện KHGD Việt Nam đã tích cực triển khai để thực hiện nhiệm vụ, từ đó có được một bộ hồ sơ chuẩn bị cho các bước để có thể trình Thủ tướng. Với tinh thần cầu thị và mong muốn mang những điều tốt đẹp nhất cho người khuyết tật từ Quy hoạch này nên sẽ có một số các tọa đàm tham vấn, xin ý kiến góp ý.
Phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Ngô Thị Minh trân trọng và đánh giá cao những góp ý của các đại biểu tham dự. Dù là phiên tọa đàm đầu tiên nhưng các góp ý của các chuyên gia đều rất tâm huyết, thực tế và mang tính xây dựng. Các bước cần thực hiện một cách bài bản, không thể nóng vội. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để nhóm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xin ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.