Người mẹ hiền của trẻ khuyết tật

GD&TĐ - 13 năm công tác tại Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng, cô Đào Thị Huế dành trọn tình yêu thương cho những học trò khuyết tật.

Cô Huế cùng trò học về ngôi nhà hạnh phúc.
Cô Huế cùng trò học về ngôi nhà hạnh phúc.

Cô luôn đau đáu niềm mong mỏi được giúp đỡ học trò kém may mắn trong cuộc sống để các em thêm hành trang vững bước trong cuộc sống.

Tình yêu thương dẫn đường

Đến Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng trong một ngày đầu thu, lúc đó, 16 học sinh lớp 2C - khối khuyết tật trí tuệ đang cùng cô Huế tập thể dục trong góc sân. “Nào Thái, Đạt, My… các con tập trung, để tay lên vai bạn, gióng hàng cho cô”, tiếng cô Huế nhẹ nhàng nhắc nhở học trò.

Rồi chính cô đến tận nơi học trò cầm tay các con để lên vai bạn. Nhưng, cô giáo chỉnh đến cuối hàng thì đầu hàng lại “đâu đóng đấy”. Cô Huế phân trần: “Trò lớp em là vậy chị ạ. Nhưng được ra sân vận động cũng giúp các con khoẻ khoắn, tăng khả năng tập trung, giao lưu cùng cô và các bạn”.

Sau giờ tập thể dục, cô trò về lớp cùng học về ngôi nhà hạnh phúc. Mô hình ngôi nhà được vẽ bằng phấn trắng trên nền bảng đen với các thẻ hình giúp các con tưởng tượng ra tổ ấm của mình, nơi đó có: Ông, bà, cha, mẹ và các anh, chị em. Lớp học nhỏ, khuôn viên gọn gàng với 16 học trò nhưng cô Huế luôn tay, luôn miệng phải nhắc nhở các con về nề nếp, rồi lại uốn trò ngồi yên nghe cô giảng.

Có bạn phản xạ nhanh khi cô hỏi bài nhưng dù 7-8 tuổi nói vẫn chưa tròn vành, rõ nghĩa; có bạn hiểu câu hỏi của cô nhưng không diễn đạt được thành lời và có những trò không tương tác với cô bằng ánh mắt mà chỉ bập bẹ câu trả lời vu vơ.

Tuy vậy, cô Huế vẫn ân cần cầm tay hướng dẫn cho trò, tương tác với các em bằng ánh mắt trìu mến, nụ cười thân thương. Với trò, các con có thể hiểu hoặc chưa kịp hiểu lời cô giảng, nhưng đều cảm nhận được tình yêu thương, sự tận tình của cô giáo. Cô Huế như người mẹ hiền thứ 2 của các con ở trường.

Cô Huế và học trò tập thể dục dưới sân trường.

Cô Huế và học trò tập thể dục dưới sân trường.

Cô Huế chia sẻ, lớp cô chủ nhiệm gồm các em học sinh khuyết tật trí tuệ như: Tự kỉ, tăng động, down. Các em được phân vào lớp dựa theo tiêu chí về trình độ nhận thức, sau mới đến độ tuổi nhưng đảm bảo không chênh lệch quá nhiều. Một lớp 16 trò, thông thường sĩ số đó là quá ít, nhưng với những lớp học sinh khuyết tật lại là đông. Một lớp gồm nhiều học sinh với các dạng tật khác nhau, vì thế giáo viên khá vất vả.

“Hiện không có chương trình chung cho trẻ khuyết tật trí tuệ. Nhà trường xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục theo khung chương trình, mục tiêu cần đạt của Viện khoa học giáo dục Việt Nam. Mỗi giáo viên căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng lớp, phù hợp với từng trò. Vì thế, mỗi trò có một sổ giáo dục cá nhân khác nhau tuỳ vào đặc điểm”, cô Huế cho hay.

Dù khó khăn, vất vả nhưng cô Huế luôn nhìn về tương lai với những suy nghĩ tích cực. Cô yêu nghề và yêu học sinh dưới mái trường mình đang công tác. Với cô, trường là ngôi nhà thứ 2, nơi ấy cô có đàn con thơ cần được nâng niu, vỗ về.

Cô Huế tâm sự, các em cho dù khiếm khuyết một phần trí tuệ nhưng vô cùng đáng yêu, dễ thương và rất gần gũi. Có bạn thích cô nắm tay xoa dịu những lúc thiếu kiểm soát hành vi, có bạn lại thích cô lặng lẽ ngồi bên, nhưng có em lại muốn cô cho những vật mềm để các em cầm nắm hoặc được ra ngoài vận động.

Với cô Huế trường là ngôi nhà chung thứ 2 nơi đó có đàn con yêu thương.

Với cô Huế trường là ngôi nhà chung thứ 2 nơi đó có đàn con yêu thương.

Nguyện gắn bó cả đời công tác

Khi được hỏi lý do chọn nghề, cô Huế cười hiền: “Ngày còn ngồi trên ghế trường phổ thông, em ước mơ làm cô giáo. Năm ấy, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có khoa Giáo dục đặc biệt. Em không hình dung được sau này ra trường sẽ dạy như nào, chỉ nghe mọi người nói là dạy học sinh khuyết tật. Lúc đó, em nghĩ, nếu là dạy trò khuyết tật chắc ít người đăng ký thì cơ hội việc làm của mình sẽ dễ dàng hơn”.

Quyết định của cô được gia đình ủng hộ, cô đỗ đại học ngay năm đầu thi tuyển. Quá trình học tập, nhiều lần được đi thực tập tại cơ sở, cô Huế càng hiểu hơn về công việc tương lai của mình. Theo cô chia sẻ, cũng như mọi người, ngày đầu tiếp xúc với trẻ khuyết tật, cô có tâm lý e ngại. Nhưng gặp các em nhiều lần cảm giác đó trong cô dần tan biến. Cô thay đổi cách nhìn về học sinh và quyết tâm gắn bó với nghề.

Năm 2009 ra trường, cô Huế công tác tại Trung tâm nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội một năm, sau đó quyết định về Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng giảng dạy. Những năm đầu công tác, cô gặp không ít khó khăn khi lớp đông trò, mỗi em một dạng tật khác nhau. Nhiều em không kiểm soát được hành vi thi thoảng lại cào cấu bản thân, đánh bạn. Thậm chí, nhiều trò vệ sinh không đạt, đi vệ sinh ngay tại lớp học, lúc đó cô lại thành bảo mẫu dọn vệ sinh cho con rồi mới yên tâm giảng dạy tiếp.

Tuy nhiên, vốn sinh ra ở miền quê nghèo của Thái Bình, là một người giàu nghị lực, dù vất vả, khó khăn cô Huế không lùi bước. Cô bảo rằng: “Em làm gì cũng quyết tâm và nghĩ mọi người làm được mình sẽ làm được. Những lúc gian khó, nhìn học trò em lại thấy cuộc đời thật may mắn và chưa bao giờ nghĩ sẽ rời xa môi trường này để chọn nơi công tác tốt hơn”.

Từ những nỗ lực của bản thân, cô Huế được ngành Giáo dục đánh giá cao. Cô từng là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, nhiều năm liền nhận giấy khen trong công tác Đoàn, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô Huế chia sẻ, sự tiến bộ cho dù rất nhỏ của trò là niềm vui và động lực giúp mình cũng như đồng nghiệp gắn bó với nghề.

Nhớ về kỉ niệm đẹp trong những năm công tác, cô Huế vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi chứng kiến cô học trò quê ở Vĩnh Bảo cùng đội văn nghệ trẻ khuyết tật toàn quốc biểu diễn trên sân khấu. Cô bé tuy bị down, rất nhút nhát nhưng múa rất mềm.

Phát hiện ra khả năng của trò, cô giáo đã dành thời gian luyện tập cho em, động viên em tham gia văn nghệ. Từ đó, em đã thay đổi nhiều và được chọn vào đội văn nghệ trẻ khuyết tật. Cứ như thế, cô tìm niềm vui trong công việc từ những tiến bộ rất nhỏ của học trò.

Thầy Phạm Văn Hưng, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét, cô Huế là giáo viên có chuyên môn sâu, vững vàng, là giáo viên giỏi cấp thành phố. Cô là Chủ tịch Công đoàn làm việc khoa học, hiệu quả, luôn quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ giáo viên trong trường. Cô giáo là tấm gương giáo viên tâm huyết, yêu nghề, luôn cảm thông và sẻ chia với phụ huynh học sinh. Cô rất tỉ mỉ, sâu sát trong công việc giáo dục học sinh khuyết tật của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ