Sân chơi công nghệ
Ngày hội CNTT quận Hoàn Kiếm thu hút 38 trường học ở các cấp học tham gia với 74 thí sinh, 162 bài giảng điện tử elearning, 29 sản phẩm công nghệ là phần mềm giáo dục và kho học liệu điện tử.
Các sản phẩm trưng bày tại ngày hội gồm các thiết bị tự cải tiến, chế tạo, phần mềm ứng dụng, phần mềm dạy học, phần mềm quản lý, thiết bị thông minh; mô hình giải pháp ứng dụng hướng tới trường học điện tử, lớp học thông minh… Khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm của các đơn vị thể hiện tính giáo dục và sáng tạo mang phong cách riêng của từng cấp học.
Bên cạnh đó, các gian trải nghiệm công nghệ cũng là tâm điểm của ngày hội thu hút sự tham gia nhiệt tình của học sinh. Qua các trò chơi ứng dụng CNTT sôi động, các em có cơ hội thể hiện niềm đam mê đối với công nghệ; sự nhanh nhạy, thông minh, năng động, sẵn sàng trở thành những chủ nhân công nghệ trong tương lai…
Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm Vương Hương Giang nhấn mạnh: Ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học đã trở thành phong trào sâu rộng trong ngành GD quận. Ngày hội CNTT là cầu nối để các nhà trường giới thiệu sản phẩm, giải pháp tiêu biểu đã ứng dụng thành công trong giáo dục, đào tạo; thúc đẩy phong trào thi đua ứng dụng CNTT trong các hoạt động giáo dục…
Các sản phẩm tham gia ngày hội đã đạt các tiêu chí về nội dung, chủ đề và yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và xu thế của giáo dục hiện đại.
Phát biểu tại ngày hội, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Đinh Hồng Phong đã ghi nhận và biểu dương thành tích các nhà trường, thầy cô giáo đạt được tại ngày hội CNTT ngành GD-ĐT quận Hoàn Kiếm lần thứ V với chủ đề “ Chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo – xây dựng trường học thông minh”. Phó Chủ tịch Đinh Hồng Phong động viên đội ngũ CBGV-NV tiếp tục phát huy khả năng lao động sáng tạo, chủ động, tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học và các hoạt động nhà trường. Đồng chí nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nhà trường sẽ góp phần xây dựng nền tảng CNTT vững chắc cho các em học sinh quận Hoàn Kiếm – những công dân của thế kỉ XXI, những công dân toàn cầu và những chủ nhân tương lai của đất nước.
Kho tri thức từ một cú “nhấp chuột”
Hưởng ứng ngày hội CNTT của quận, Trường Mầm non 1-6 đã phát động phong trào thi đua đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả CNTT trong các hoạt động quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ của nhà trường; xây dựng sản phẩm ứng dụng CNTT là kho học liệu điện tử với mục đích tạo ra nguồn dữ liệu phục vụ cho đội ngũ giáo viên tích lũy, trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm lẫn nhau để cùng tiếp cận và sử dụng CNTT trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ ngày càng đổi mới, tiên tiến và đạt chất lượng, hiệu quả.
Nhà trường đã thành lập nhóm giáo viên tâm huyết, sáng tạo, có khả năng ứng dụng CNTT tốt; định hướng cho nhóm suy nghĩ, tìm tòi, khám phá để xây dựng kho học liệu điện tử ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Khi kho học liệu điện tử được xây dựng xong, các giáo viên trong trường tích cực chia sẻ, áp dụng tại lớp học và đã nhận được những kết quả và sự phản hồi tích cực. Chỉ cần vài cái "nhấp chuột", giáo viên đã có được những giáo án chất lượng, bài giảng điện tử hay, trò chơi thú vị, những tư liệu hình ảnh, video sống động, phong phú hiện ra với hiệu ứng của âm thanh sống động.
Cô Tô Thị Thu Hà-giáo viên nhà trường chia sẻ: Điều này đã giúp cho giáo viên dễ dàng thu hút được sự chú ý và kích thích hứng thú của học sinh. Đây có thể coi là một phương pháp đổi mới ưu việt rất phù hợp và hiệu quả, đặc biệt là phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, với quan điểm dạy học “Lấy trẻ làm trung tâm". Các em thật sự hứng thú, bị cuốn hút bởi các nội dung phong phú của các video clip, các trò chơi, vẻ đẹp sinh động, hấp dẫn của hình ảnh mà giáo viên khai thác sử dụng ngay trong kho học liệu điện tử của nhà trường.
“Đặc biệt, với kho học liệu điện tử, chúng tôi đã tiến thêm một bước mới là tạo sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong việc tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ không chỉ ở trường mà ngay tại nhà với sự tham gia của cha mẹ. Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, hay chỉ bằng cách click chuột vào đường link cha mẹ học sinh có thể sử dụng phần nội dung trong kho như một công cụ để tiếp nối những công việc dạy học mà chúng tôi đang thực hiện ở nhà trường”- cô Hà cho biết thêm.
Cũng như vậy, cô Ngô Nguyệt Anh- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản nhận định: “Vạn sự khởi đầu nan”, ứng dụng CNTT vào giảng dạy ban đầu là một bài toán khó với giáo viên, nhưng qua một thời gian không dài, chủ trương này đã cho thấy hiệu quả tích cực khi công nghệ và các phần mềm ứng dụng mang lại cho cả thầy và trò không gian mới, nhiều hứng thú không chỉ trong lớp học.
Với sự hỗ trợ của máy tính và một số phần mềm dạy học cùng các thiết bị đi kèm, giáo viên có thể tổ chức tiết học một cách sinh động, các bài giảng không chỉ mang hơi thở cuộc sống hiện đại gần gũi hơn với học sinh mà còn giúp cả người dạy và người học được tiếp xúc với các phương tiện hiện đại, làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình.
Tuy nhiên, theo cô Nguyệt Anh, nhà trường luôn xác định với giáo viên: ứng dụng CNTT không đồng nhất với đổi mới phương pháp dạy học, CNTT chỉ là phương tiện tạo thuận lợi cho triển khai phương pháp dạy học tích cực chứ không phải là điều kiện đủ của phương pháp này. Không lạm dụng công nghệ nếu chúng không tác động tích cực đến quá trình dạy học. Để một giờ học có ứng dụng CNTT là một giờ học phát huy tính tích cực của học sinh thì điều kiện tiên quyết là việc khai thác CNTT phải đảm bảo các yêu cầu và tính đặc trưng của phương pháp dạy học tích cực mà giáo viên sử dụng.