Xây dựng diện mạo mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nếu nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế quốc gia thì sản xuất lúa gạo được xem là ngành sản xuất trọng điểm.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.

Giai đoạn 2024 - 2025, tập trung củng cố 180.000 ha lúa từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT). Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha.

Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.

100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%. 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%; lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030 sẽ mở rộng ra trên 820.000 ha.

Nếu nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế quốc gia thì sản xuất lúa gạo được xem là ngành sản xuất trọng điểm nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước. Điều này thể hiện qua các con số như chỉ riêng nửa đầu tháng 11, cả nước đã xuất khẩu 332.214 tấn gạo, đạt kim ngạch 219 triệu USD.

Tính chung từ đầu năm đến 15/11/2023, cả nước đã xuất khẩu 7,37 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,15 tỷ USD. Dự kiến cả năm nay, kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước đạt khoảng 8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Với riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng lúa những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và sản lượng gạo xuất khẩu chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế sản xuất lúa gạo vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là quy hoạch vùng trồng chưa đồng bộ, thu nhập của nông dân còn thấp; tỷ lệ sản xuất bền vững, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Bên cạnh đó, dù sản lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị xuất cũng chưa cao, chưa có nhiều thương hiệu. Dịch vụ hỗ trợ thương mại chậm phát triển. Trong sản xuất còn gây tác động tiêu cực đến môi trường và biến đổi khí hậu, thiếu hệ thống kiểm soát phát thải khí nhà kính…

Đặc biệt, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng gạo phải được nâng cao, giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, giảm phát thải...

Trước những đòi hỏi này, như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan là cần thiết phải triển khai Đề án nhằm hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.

Gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đây là những đòi hỏi khách quan, xu thế tất yếu. Vấn đề còn lại là triển khai như thế nào để bảo đảm hiệu quả vì mục tiêu sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao chỉ là phương tiện.

Mục đích phải đạt khi thực hiện Đề án là thay đổi căn cơ nhận thức của người sản xuất, kinh doanh. Đồng thời nâng cao giá trị, thu nhập và xây dựng diện mạo mới cho ngành lúa gạo Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ