Cần cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người học nông nghiệp

GD&TĐ - Ngành nông nghiệp phát triển đã đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế đất nước.

Nút thắt cần tháo gỡ hiện nay là thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò NNL trong nông nghiệp.
Nút thắt cần tháo gỡ hiện nay là thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò NNL trong nông nghiệp.

Thực tế bên cạnh các thành tựu, việc thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò nguồn nhân lực (NNL) trong nông nghiệp vẫn đang là nút thắt cần tháo gỡ hiện nay.

Những thách thức

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học với các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi. Các cơ sở đào tạo của Bộ NN&PTNT có 38 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; 39 ngành thạc sĩ, 97 ngành đại học, 112 ngành cao đẳng, 122 ngành trung cấp.

Bằng các nguồn kinh phí khác nhau, các cơ sở đào tạo đã đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nhờ đó chất lượng từng bước được cải thiện, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện chính sách quản lý, năng lực tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, góp phần đưa Việt Nam có vị trí cao trong số những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Song, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác đào tạo NNL lĩnh vực nông nghiệp còn bộc lộ một số tồn tại, thách thức như: Tỷ lệ lao động ngắn hạn; lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên chiếm tỷ lệ thấp...

Điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng NNL phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ, sản xuất, chế biến, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.

Tại Hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển NNL nông nghiệp, nông thôn, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển bền vững - Công ty Cổ phần tập đoàn PAN cho biết: Ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau như yêu cầu tiến bộ công nghệ, thực hành bền vững và tăng năng suất. Để giải quyết những thách thức này, nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư có chuyên môn về nông nghiệp và thuỷ sản ngày càng tăng.

“Lực lượng lao động suy giảm nhanh và trình độ đào tạo thấp khiến sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp thấp, khả năng thích ứng với biến động của thị trường và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo cần có sự hợp tác để nâng cao chất lượng, thu hút được NNL trong ngành nông nghiệp”, ông Nguyễn Trung Anh cho biết.

Theo ông Nguyễn Trung Anh, các chương trình đào tạo và thực tập thực tế nên có sự hợp tác với các doanh nghiệp nông nghiệp. Đặc biệt, các chương trình đào tạo có thể được thiết kế để kết hợp giải quyết những vấn đề thực tế của doanh nghiệp, chú trọng sử dụng công nghệ và thực hành bền vững.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Định hướng tiêu chuẩn

Ông Trần Lưu Hưng - chuyên gia về nông nghiệp nhìn nhận, lao động trong nông nghiệp rủi ro hơn các ngành nghề khác trong khi môi trường làm việc lại ít được giao tiếp xã hội. Cùng đào tạo bậc đại học với 4 năm nhưng mức lương chỉ bằng khoảng 50 - 55% so với các ngành nghề khác khi đi làm... Những lý do này khiến nông nghiệp khó thu hút được người học.

“Dẫu nhu cầu tuyển dụng của các công ty khá nhiều, mỗi tháng cần khoảng 70 - 80 lao động có chuyên môn về chăn nuôi, thú y, chế biến... làm việc tại các trang trại, nhưng do nhân lực thiếu hụt nên thực tế nhiều đơn vị chỉ tuyển được khoảng 10 - 20 người/tháng”, ông Trần Lưu Hưng nêu ý kiến.

Theo ông Hưng, để thu hút, khuyến khích người vào học các trường, ngành nông nghiệp, thời gian tới cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người học nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) như đối với ngành sư phạm hiện nay. Đối với các trường, học viện nông, lâm, thủy sản, để nâng chất lượng đào tạo và có sức hấp dẫn, thu hút người học, trước tiên phải đổi mới chương trình dạy học, học đi đôi với thực hành.

Đồng thời quan tâm, chú trọng liên kết với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản lớn để đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, gắn đào tạo với sử dụng, tuyển dụng lao động...

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội dẫn chứng, từ thực tế hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo đã mang lại kết quả tích cực như: Nhân lực qua đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; nâng cao chất lượng quản trị; tận dụng các máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất và các nguồn lực doanh nghiệp trong phục vụ giảng dạy, qua đó cũng giúp nâng cao tinh thần khởi nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường cho học sinh, sinh viên.

“Đào tạo những gì doanh nghiệp cần chứ không phải những gì nhà trường có. Muốn như vậy phải có doanh nghiệp cùng tham gia để nắm rõ hơn nhu cầu họ cần gì, tiêu chuẩn nhân lực ra sao để định hướng trong đào tạo. Phải thoát ly tư duy đào tạo những gì mà nhà trường đang có. Vì vậy, phải đẩy mạnh chất lượng nhà trường để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho doanh nghiệp và việc làm cho sinh viên, khi đó mới thu hút thêm sinh viên theo học”, ông Ngọc chia sẻ.

Để đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo NNL chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước.

Tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030. Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ NN&PTNT tuyển sinh bình quân hằng năm: 200 nghiên cứu sinh; 2.500 học viên cao học; 20.000 sinh viên đại học; 8.000 sinh viên cao đẳng, 20.000 học sinh trung cấp và 40.000 học sinh sơ cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.