Các cánh đồng tại Israel đang bước vào mùa vụ thu hoạch hoặc trồng mới nhưng không có người làm do các lao động nước ngoài đã về nước hoặc bị cấm do chiến tranh, dẫn đến cuộc khủng hoảng nông nghiệp nghiêm trọng nhất tại đất nước Do Thái trong nhiều năm.
Đây là một khía cạnh hậu quả khác mà cuộc chiến tranh đẫm máu giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza bắt đầu từ ngày 7/10 đang gây ra. Trong suốt nhiều năm trước cuộc xung đột này, các trang trại tại Israel chủ yếu sử dụng lực lượng lao động nước ngoài và đến nhiều nhất là từ Palestine và Thái Lan. Khi chiến tranh nổ ra, lập tức người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza bị cấm vào Israel làm việc, còn các lao động Thái Lan là hầu hết hồi hương để tránh xung đột.
Ngay lập tức các trang trại ở Israel rơi vào cảnh khủng hoảng khi không có người trồng trọt vụ mùa mới, thu hoạch sản phẩm hay đóng gói các loại nông sản để xuất bán như quy trình vốn có. Quan chức điều hành ngành nông nghiệp Israel là ông Yuval Lipkin nói với New York Times rằng, nông nghiệp nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi Israel ra đời năm 1948.
Trước chiến tranh, ngành nông nghiệp Israel tuyển dụng khoảng 30.000 lao động nước ngoài, chủ yếu đến từ Thái Lan và khoảng 9.000 lao động Palestine. Theo ước tính của quan chức trên, ngành nông nghiệp Israel đang thiếu hụt ít nhất 15.000 lao động. Đặc biệt sự thiếu hụt này diễn ra ngay lập tức do chiến tranh mà các trang trại không có sự chuẩn bị nào, khiến họ hoàn toàn bị động trong sản xuất.
Nghiêm trọng hơn, khoảng 75% cơ sở nông nghiệp ngành rau củ của Israel nằm ở phía Nam gần Dải Gaza, chiến trường ác liệt nhất trong cuộc chiến Israel – Hamas hiện nay. Trong khi đó, các loại nông sản khác trái cây như bơ, táo, cam, mận và đào lại trồng tập trung ở khu vực phía Bắc giáp với biên giới Li Băng, nơi cũng đang xảy ra xung đột quy mô nhỏ giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah.
Do các vùng nông nghiệp chính đều nằm sát những vùng có chiến sự nên ngoài việc thiếu lao động thì chính các gia đình người Israel làm nông nghiệp cũng phải sơ tán để tránh tổn thương. Điều này càng đẩy cuộc khủng hoảng nông nghiệp rơi vào khủng hoảng do các trang trại phải vật lộn để tìm cách duy trì hoạt động của mình trong cảnh khó khăn trăm bề.
Trong những tuần qua, các quan chức Israel đã tích cực tổ chức các cuộc đàm phán với đại diện một số nước để tìm kiếm nguồn lao động bổ sung, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nhân sự ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo quy trình về hợp tác và các vấn đề thủ tục, đào tạo thì phải mất vài tháng những lao động mới có thể đến Israel làm việc, thay thế cho các lao động đã rời đi vì chiến tranh.
Nguồn lao động tại chỗ cho nông nghiệp cũng không thể huy động do nhiều người Israel từng làm việc ở các trang trại như lái máy kéo, vận hành máy chế biến hay quản lý ruộng đồng lại nằm trong số 360.000 công dân đủ điều kiện bị gọi đi nghĩa vụ quân sự, tham gia cuộc chiến chống Hamas tại Dải Gaza và tăng cường cho các mặt trận có nguy cơ nổ ra xung đột như biên giới với Li Băng.
Trong khi đó, mùa thu hoạch và mùa trồng mới đang diễn ra khiến các trang trại tại Israel chỉ có thể dựa vào các tình nguyện viên để duy trì hoạt động. Nguồn lao động này vừa thiếu chuyên môn lại không có độ tin cậy do không có ràng buộc về mặt hợp đồng, càng khiến ngành nông nghiệp Israel rơi vào đợt khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có.