Xây dựng cổng thông tin điện tử dạy tiếng Việt trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Chiều 29/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị quán triệt và triển khai kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 về chương trình hành động của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị nhằm mục đích tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động giữa các cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài, nâng cao ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò của công tác này. Bảo đảm các cơ quan, tổ chức nắm vững chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Tạo sự thông suốt, nhất quán trong triển khai thực hiện giữa Trung ương – địa phương, các ngành, lĩnh vực có liên quan. Khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được xác định “bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Để hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt công tác về người Việt Nam ở nước ngoài”.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư số 17/2015/TT-BGDĐT ngày 1/9/2015 ban hành khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Quyết định số 2097/QĐ-BGDĐT ngày 26/11/2018 ban hành định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài. Thông tư 28/2018/TT-BGDĐT ngày 26/11/2018 ban hành chương trình tiếng Việt người Việt Nam ở nước ngoài, dự kiến ban hành thông tư quy chế đánh giá năng lực tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Bộ, ban ngành, tổ chức cá nhân liên quan thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của kiều bào về tầm quan trọng, lợi ích của việc học tiếng Việt. Vận động bà con khuyến khích con em tham gia học tiếng Việt tiêu biểu ở các nước Đức, Anh, Pháp, Séc, Ba Lan, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Lào…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Đối với việc xây dựng tài liệu và học tiếng Việt, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Tháng 9/2021 Bộ GD&ĐT đã tổ chức lễ phát động cuộc thi “Biên soạn sách, tài liệu dạy và học Tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”. Năm 2016 và 2017 Bộ đã chỉ đạo tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế chế bản, in và phát hành bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”. Hiện nay, hai bộ sách đã được số hóa, đưa lên mạng và tái sử dụng miễn phí. Năm 2020 tổ chức biên soạn, dạy sách học song ngữ Việt – Anh bậc 1,2 cho trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài”.

Bộ GD&ĐT đã giúp Hội người Việt Nam ở thành phố Cao Hùng (Đài Loan) tổ chức thẩm định 1 bộ sách dạy học tiếng Việt cho con em người Việt Nam ở Đài Loan. Xây dựng xuất bản bộ từ điển Việt – Lào và từ điển Lào – Việt phục vụ công tác nghiên cứu, học tập tiếng Việt, tiếng Lào ….

ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức xây dựng, biên soạn bộ ngữ liệu dạy học bằng tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài từ bậc 1 đến bậc 4. Từ năm 2013 đến nay, hàng năm Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho NVNONN.

Mỗi năm có khoảng 65-70 giáo viên từ nhiều quốc gia được tham dự và cấp chứng chỉ hoàn thành lớp bồi dưỡng, trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Về công tác kiểm tra, đánh giá năm 2020 ĐH Quốc gia Hà Nội đã biên soạn bộ câu hỏi thi, kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt 6 bậc.

Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức bồi dưỡng giáo viên tình nguyện, cử giảng viên, chuyên gia dạy tiếng Việt trong nước sang giảng dạy và bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên ở nước sở tại. Xây dựng cổng thông tin điện tử dạy tiếng Việt trực tuyến.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế quy định hướng dẫn cụ thể hướng dẫn thực hiện đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ năng lực cho giáo viên giảng dạy tiếng Việt. Định kỳ tổ chức Diễn đàn Ngôn ngữ và giáo dục Việt Nam với người Việt Nam ở nước ngoài.

Để nâng cao hiệu quả công tác dạy tiếng Việt đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu đề xuất phương án dạy và học tiếng Việt trực tuyến trên cổng thông tin điện tử do ĐH Quốc gia xây dựng, biên soạn. Tài liệu học tập sẽ bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Đề xuất xây dựng trung tâm kiểm định độc lập, có thẩm quyền tổ chức thi và cấp chứng chỉ đánh giá năng lực tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt cho người ở nước ngoài tại một số quốc gia có đông người Việt sinh sống.

Làm việc với Bộ Giáo dục Đài Loan, Hàn Quốc, Campuachia để triển khai xây dựng một số trường Tiểu học, THCS tại các tỉnh, thành phố có đông người Việt Nam sinh sống. Xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Bộ GD&ĐT về chính sách và giải pháp phát triển, truyền bán tiếng Việt ra thế giới. Đề xuất Bộ Ngoại giao tăng cường đưa tin về nội dung người Việt Nam ở nước ngoài và các hoạt động dạy học tiếng Việt, truyền bá văn hóa Việt Nam dưới dạng các bản tin điện tử định kỳ.

Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển.

Vị thế, uy tín, cộng đồng người Việt Nam trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao, có vai trò và ảnh hưởng ở mức độ khác nhau tới quan hệ hữu nghị giữa các nước với Việt Nam. Là đại diện văn hóa Việt Nam ở các nước nhằm giới thiệu văn hóa, truyền thống con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, có khoảng 500.000 chuyên gia, tri thức người Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang làm việc tại các cơ sở khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học và cơ sở kinh doanh ở nước ngoài, chiếm tỷ lệ 10%

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.