Xây dựng cộng đồng nhà giáo giúp nhau học tập

GD&TĐ - Hơn 28.000 giáo viên cốt cán trên toàn quốc chính thức bước vào khóa bồi dưỡng, tập huấn mô – đun 2: Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Các giáo viên cốt cán thảo luận nhóm tại buổi bồi dưỡng, tập huấn mô – đun 2.
Các giáo viên cốt cán thảo luận nhóm tại buổi bồi dưỡng, tập huấn mô – đun 2.

Hầu hết, các ý kiến đều bày tỏ hài lòng với hình thức, phương pháp và nội dung tập huấn.

Chủ động tiếp nhận phương pháp mới

Cô Nông Thị Phước - Trường THPT Pò Tấu (Trùng Khánh, Cao Bằng) chia sẻ: Với mô - đun 2, cô và các đồng nghiệp được tìm hiểu xu hướng hiện đại về phương pháp dạy học, giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Các thầy cô giảng viên chủ chốt của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) đã giúp học viên làm rõ sự khác nhau giữa dạy học phát triển năng lực với dạy học truyền thụ kiến thức; đồng thời hướng dẫn học viên lựa chọn, sử dụng các phương pháp kỹ thuật dạy học phù hợp, nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh trên cơ sở môn học mình phụ trách. 

Thầy Lương Văn Hiệp – giáo viên Trường THCS Gia Lộc (Chi Lăng, Lạng Sơn) bộc bạch: “Ngoài việc được tiếp cận những kiến thức chuyên sâu về Chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi còn được trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp đến từ các địa phương khác. Phương thức tập huấn cũng có nhiều đổi mới. Theo đó, giảng viên/báo cáo viên không thuyết giảng nhiều mà chủ yếu định hướng, tổ chức, tạo cơ hội cho học viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn”.

Thầy Hiệp khẳng định: Sau tập huấn, thầy cô có thể áp dụng ngay những kiến thức đã học vào thực tiễn. Chẳng hạn như cách giảng viên “phá vỡ” không gian lớp học, tạo điều kiện cho học viên được thảo luận, nói nhiều hơn, chủ động tiếp nhận kiến thức sẽ nhớ lâu hơn.

Cùng với những kiến thức về sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, cô Phương Hồng Nhung – giáo viên Trường THCS Thị trấn Chợ Giã (Ba Bể, Bắc Kạn) và các đồng nghiệp được trải nghiệm phương pháp giảng dạy mới của giảng viên, cùng động não và chủ động tiếp nhận kiến thức, không phải thụ động ngồi nghe một chiều. “Tôi rất hứng thú với hoạt động khởi động và chắc chắc sẽ vận dụng để thu hút học sinh vào bài học” – cô Nhung tâm đắc. 

Tham gia hỗ trợ giáo viên cốt cán khoá bồi dưỡng, tập huấn mô – đun 2, PGS.TS Ngô Thị Thanh Quý - giảng viên chủ chốt Trường Đại học Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) trao đổi: Quan điểm của giảng viên là tiết chế cung cấp lý thuyết, dành nhiều thời gian cho học viên chia sẻ những bài học thực tiễn. Chỉ khi đặt học viên vào tiến trình của sự thay đổi để bản thân phải thích ứng, thay đổi phương pháp dạy – học. 

Công thức “3 - 5 - 7”

Khóa bồi dưỡng được thực hiện theo phương pháp “3 - 5 - 7”. Tức là, kết hợp giữa bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến; trong đó có 5 ngày tự học online trước khi tập huấn trực tiếp, 3 ngày tập huấn theo phương pháp mặt giáp mặt, nhằm tăng cường sự tương tác giữa báo cáo viên với học viên và giữa học viên với học viên. Sau đó, học viên có 7 ngày để tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ học tập, làm bài tập cuối khóa và nộp bài làm trên hệ thống học tập trực tuyến.

Thầy Nguyễn Văn Nhượng – Giáo viên môn Văn, Trường THCS Giao Nhân (Giao Thủy, Nam Định) nhận xét: Phương pháp tập huấn hiệu quả, vì trước khi đi tập huấn trực tiếp (mặt giáp mặt), giáo viên có 5 ngày nghiên cứu tài liệu; vì thế sẽ không bị bỡ ngỡ và chủ động trong học tập. Ngoài ra, sau 3 ngày tập huấn trực tiếp, chúng em có sản phẩm được giảng viên sư phạm đánh giá, góp ý hoàn thiện; 7 ngày tiếp theo hoàn thành các bài tập nên các kiến thức được ôn lại, rồi làm bài tập, được đánh giá – tức là “được xào đi, xào lại”.

Thầy Trịnh Văn Sáng – giáo viên Giáo dục công dân, Trường THCS Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam) cho rằng: Đợt tập huấn này có nhiều điểm mới. Khi đi tập huấn tập trung, giáo viên đã có hành lang lý luận, nội dung tập huấn và có thể hình dung rõ nhiệm vụ của mình. “Chúng tôi chủ động chuẩn bị trước những nội dung khó để nhờ các thầy cô là giảng viên sư phạm giải đáp và tích cực tham gia học tập để hoàn thành nhiệm vụ” – thầy Sáng trao đổi.

TS Tăng Thị Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Sư phạm, Trường ĐH Vinh chia sẻ: Những giáo viên cốt cán nhiệt huyết với nghề, kiên cường vượt lũ, bất chấp gió mưa để tham gia chương trình bồi dưỡng, khiến chúng tôi thực sự cảm động. Những buổi thảo luận, trao đổi sôi nổi trở thành động lực, để chúng tôi ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình, xứng đáng với sự kỳ vọng của học viên nhằm thực hiện tốt nhất công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” – TS Sang nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Dung – Chuyên gia tư vấn đánh giá, giám sát của Chương trình ETEP, với phương pháp bồi dưỡng như hiện nay đã tạo ra một cộng đồng giáo viên trên toàn quốc học tập lẫn nhau. Đồng thời có sự kết nối với giảng viên chủ chốt, từ đó, giáo viên có thể tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên và liên tục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.