Xây dựng cơ chế phòng ngừa

GD&TĐ - Khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để 'không thể' tham nhũng, tiêu cực.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri TP Đà Nẵng sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV mới đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao từ Trung ương đến địa phương với tư tưởng không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai...

Điều này được thể hiện rõ qua việc toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo ở Trung ương nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân cũng như tình trạng tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Dù khoảng thời gian đi vào hoạt động chưa dài nhưng các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã triển khai khá toàn diện các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần tạo chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở. Đặc biệt, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là bước đầu khắc phục được hạn chế lâu nay vẫn nói là “trên nóng, dưới lạnh”.

Cụ thể, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tập trung chỉ đạo xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; vụ án, vụ việc kéo dài, dư luận xã hội quan tâm ở từng địa phương. Đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng lại sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, thực hiện nghiêm chủ trương xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ.

Thực tế, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận những nỗ lực và kết quả này.

Ví dụ như theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam năm 2021 đứng thứ 87/180, tăng 46 bậc so với năm 2012 và cũng là năm Việt Nam có chỉ số CPI cao nhất trong 10 năm 2012 - 2021.

Vậy nhưng cũng phải thẳng thắn rằng tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp như quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; lĩnh vực y tế, giáo dục… với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cho nên, vấn đề đặt ra ở đây, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, phải tuân thủ đúng nguyên tắc tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm. Đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử, xử lý nghiêm minh nhưng nhân văn; có quan điểm khách quan, toàn diện, cụ thể khi xem xét xử lý sai phạm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ