Để thực hiện chiến lược này, thời gian qua các trường đại học đặc biệt quan tâm và chuẩn hóa đào tạo nguồn nhân lực.
Tài chính là bệ phóng
Để thực hiện chiến lược một cách toàn diện và bền vững, thời gian qua hệ thống GDĐH Việt Nam không ngừng tham gia sâu vào công tác kiểm định chất lượng đào tạo, đặc biệt là tham gia hệ thống kiểm định quốc tế.
Song song đó, các trường cũng đã không ngừng mạnh dạn chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính để gia tăng thêm nguồn lực, định hình hệ sinh thái học thuật, nghiên cứu mang tính mở và hội nhập quốc tế.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân-Giám đốc ĐHQG TPHCM, tự chủ tài chính đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng tầm hệ thống GDĐH Việt Nam cũng như giúp các trường có thêm tiềm lực để đầu tư mạnh mẽ cho công tác NCKH, tham gia sâu vào các bảng xếp hạng quốc tế, qua đó nâng tầm và chất nguồn nhân lực do mình đào tạo.
"Các nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ mối tương quan giữa tự chủ đại học và vị trí trên các bảng xếp hạng. Đại học có vị trí cao trên các bảng xếp hạng quốc tế thì có nhiều quyền tự chủ về quản trị và tổ chức bộ máy, về tài chính và về học thuật.
Tự chủ về quản trị và tổ chức bộ máy sẽ giúp cho đại học chủ động tuyển dụng được những nhà khoa học, giảng viên, sinh viên xuất sắc; xây dựng và vận hành được hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động.
Tự do học thuật là nhân tố quan trọng nhất để đảm bảo đại học thực sự trở thành nơi sáng tạo ra tri thức mới, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đại học phải được quyền quyết định các vấn đề học thuật như tuyển sinh, đào tạo, mở ngành mới, quyết định về phương pháp, ngôn ngữ giảng dạy, các vấn đề về đảm bảo và kiểm định chất lượng… từ đó chủ động đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực và trình độ cạnh tranh với nhân lực trong khu vực và quốc tế", PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ.
Chất lượng hướng đến tiệm cận chuẩn mực khu vực
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, nhu cầu thu gọn bộ máy quản lý, tinh gọn nhân lực theo hướng chất lượng (có sàng lọc) là điều khó tránh khỏi.
Theo ông Trần Anh Tuấn-Phó viện trưởng Viện đào tạo Kinh tế Quốc tế, chuyên gia về nhân lực, sự chuyển dịch mạnh mẽ về chiến lược và quy hoạch trong xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng của Nhà nước (khoảng 5 năm qua) đã gián tiếp kéo khoảng cách về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam với khu vực và thế giới gần lại hơn.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ được coi là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Trong vài năm trở lại đây ngoài chính sách đầu tư trường trọng điểm, xây dựng nhóm ngành nghề trọng điểm để đào tạo nhân lực thì Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều chính sách vĩ mô trong việc đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động.
Định hướng đúng đắn này không chỉ gia tăng khả năng thích ứng của người lao động mà còn giúp lao động của Việt Nam tự tin cạnh tranh sòng phẳng với nhân lực khu vực và quốc tế", ông Tuấn nhận xét.
Để đảm bảo nhân lực cho phát triển kinh tế của đất nước, ngày 19/4/2011 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020. Song song đó, Thủ tướng cũng ký Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 về phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Từ đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực.
Trong 10 năm, nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao cũng tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như Y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng, CNTT...
Theo TS Trần Đình Lý-Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, tham gia vào tiến trình chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời gian qua, các trường ĐH-CĐ đóng vai trò quan trọng nhất.
Vì vậy, để GDĐH thực sự là nền tảng của quá trình nâng cao chất lượng lao động, là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện con người, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo... nhằm đạt được mục tiêu xây dựng quốc gia sáng tạo, độc lập, dân chủ, giàu có và bản sắc, thì không cách nào khác phải đầu tư cho các trường đại học.
"Đẩy mạnh cơ chế tự chủ, đầu tư đại học trọng điểm, Trung tâm nghiên cứu trọng điểm quốc gia, hay khuyến khích các trường tham gia sâu vào các bảng xếp hạng, kiểm định chất lượng quốc tế... mà Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT đang quyết liệt thực hiện trong thời gian qua nhằm mục tiêu hình thành được một thế hệ nhân lực chất lượng và hội nhập. Chính sách đúng đắn trên đã và đang cân bằng dần khoảng cách nhân lực của chúng ta và khu vực", TS Trần Đình Lý nhận định.