Phát biểu tại phiên họp qua hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết năm 2013, Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT được ban hành. Bộ GD&ĐT Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo quyết định 1981/QĐ-TTg năm 2016 và Khung trình độ quốc gia Việt Nam theo quyết định 1982/QĐ-TTg năm 2016 với cấu trúc gồm 8 bậc.
Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình GDPT năm 2018 nhằm phát triển phẩm chất, năng lực và kỹ năng thế kỷ 21 cho người học; Đồng thời, Bộ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ là thiết kế và xây dựng cơ chế tự chủ cho các trường ĐH, CĐ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam phải đối mặt với 4 đợt bùng phát dịch Covid-19. Chỉ 2 tuần sau đợt bùng phát đầu tiên vào đầu năm 2020 khiến trường học các cấp đóng cửa, Bộ GD&ĐT đã triển khai dạy học trên truyền hình và Internet tại các địa phương. Kết quả, 80% học sinh học trực tuyến hoặc theo dõi bài giảng trên truyền hình.
Bộ đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Những động thái trên đều phù hợp với chính sách của chính phủ Việt Nam về số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị, để tăng cường phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các nước ASEAN và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phối hợp thực hiện bốn nhiệm vụ. Đầu tiên, các nước cần chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra giải pháp cho các vấn đề chung như chính sách về mục tiêu phát triển bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Tiếp đó, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng công nghệ số. Ngoài ra, các nước cần hợp tác chặt chẽ, toàn diện trong các dự án khởi nghiệp; giáo dục khởi nghiệp; tăng cường đổi mới sáng tạo. Đồng thời, OECD có thể hỗ trợ tài chính giúp các quốc gia Đông Nam Á xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.