Xây dựng các TT nghiên cứu xuất sắc, các trường ĐH trình độ quốc tế

Xây dựng các TT nghiên cứu xuất sắc, các trường ĐH trình độ quốc tế

(GD&TĐ)-Văn phòng Chính phủ công bố kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ tại phiên họp của Ban chỉ đạo.

Sinh viên ĐH Nguyễn Trãi trong lễ tốt nghiệp, Ảnh: gdtd.vn
Sinh viên ĐH Nguyễn Trãi trong lễ tốt nghiệp, Ảnh: gdtd.vn

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Để phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nhân lực trình độ cao, phù hợp với mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, cần làm rõ mục tiêu, yêu cầu hợp tác quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ ở tầm quốc gia.

Về mục tiêu, cần lựa chọn các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học mạnh ở các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam và các nước là cường quốc về khoa học, công nghệ để phối hợp với các đơn vị trong nước xây dựng các trường ĐH và trường dạy nghề trình độ quốc tế, xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở các lĩnh vực công nghệ, ưu tiên trong Chiến lược khoa học và công nghệ của đất nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu, việc xây dựng các trường ĐH và trường dạy nghề trình độ quốc tế có thể tiến hành theo nhiều cách khác nhau, tùy theo điều kiện của nước hợp tác và cơ quan cho vay vốn ODA. Có thể thành lập mới hoàn toàn một trường ĐH theo chuẩn mực chất lượng của nước đối tác, hoặc nâng cấp từ khoa, ngành đào tạo theo chuẩn mực của nước và trường đối tác.

Việc hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc cần dựa trên các trung tâm nghiên cứu mạnh của Việt Nam và phối hợp với một hoặc một số trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở nước ngoài. Ở cấp quốc gia cần xác định mục tiêu và theo dõi hợp tác quốc tế để làm chủ và ứng dụng nhanh các công nghệ cao hay các ngành khoa học cơ bản như toán, vật lý.

Hoạt động của các trung tâm nghiên cứu xuất sắc có thể có 3 mức, tương ứng 3 giai đoạn: Phối hợp để đào tạo nhân lực cho trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam (thạc sĩ và tiến sĩ); tiến hành các nghiên cứu chung và công bố chung kết quả; ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế Việt Nam.

Đối tác phía Việt Nam trong hợp tác nghiên cứu với đối tác nước ngoài nên từ 2 đến 4 đơn vị mạnh nhất trong nước về lĩnh vực liên quan. Việc hình thành các trường ĐH và trường nghề trình độ quốc tế, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc là cơ hội quan trọng để thu hút sự tham gia, đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài.

Để xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, căn cứ vào Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng và triển khai xác định các nhóm công nghệ cần ưu tiên làm chủ, phát triển và ứng dụng đến năm 2020;

Xác định các nhóm đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường ĐH cần được giao nhiệm vụ triển khai xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc để phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến ở tầm quốc gia;

Các đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường ĐH nói trên đề xuất danh mục các loại đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ cần được triển khai và danh sách các tổ chức nghiên cứu khoa học, các trường ĐH trình độ cao ở nước ngoài (các nước là đối tác hợp tác chiến lược của Việt Nam, các nước mạnh về khoa học và công nghệ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam) cần được vận động đề hợp tác với Việt Nam xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc;

Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ và địa phương liên quan dự kiến mức kinh phí có thể dành cho việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc và tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ trong giai đoạn đến năm 2020....

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH trên cơ sở Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và Chiến lược dạy nghề thời kỳ 2011-2020 lập đề án xây dựng các trường ĐH, trường nghề đạt trình độ quốc tế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó làm rõ nhu cầu nhân lực trình độ quốc tế ở các ngành, nghề gì, đối tác nước ngoài được xác định thế nào, phương thức quản lý của nhà trường, điều kiện tài chính để thành lập và vận hành các cấp đào tạo này, trình Thủ tướng trước ngày 31/3/2013.

Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương phối hợp với Đại sứ quán CHLB Đức, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam để ký trong tháng 1/2013 thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực theo chuẩn nghề nghiệp của Đức và Nhật Bản tại Việt Nam, cung cấp cho các doanh nghiệp Đức, Nhật Bản và doanh nghiệp khác ở Việt Nam...

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.