Xây dựng bộ công cụ chuẩn để đánh giá nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên

GD&TĐ - Tới đây, trên 850.000 giáo viên (GV) và 70.000 cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc sẽ được bồi dưỡng, phát triển năng lực theo phương thức trực tuyến kết hợp với bồi dưỡng trực tiếp truyền thống trong khuôn khổ Chương trình ETEP của Bộ GD&ĐT.

Hội thảo, tập huấn về Bộ công cụ khảo sát đánh giá năng lực và nhu cầu bồi dưỡng GV&CBQL cơ sở giáo dục phổ thông
Hội thảo, tập huấn về Bộ công cụ khảo sát đánh giá năng lực và nhu cầu bồi dưỡng GV&CBQL cơ sở giáo dục phổ thông

PGS.TS Nguyễn Thuý Hồng - Giám đốc Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) - cho biết: Nội dung chương trình bồi dưỡng sẽ được thiết kế dựa trên dữ liệu khảo sát năng lực, nhu cầu bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực nghề nghiệp của GV&CBQL cơ sở giáo dục phổ thông theo các năng lực của chuẩn nghề nghiệp/chuẩn hiệu trưởng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thuý Hồng, để có thể thu thập được những dữ liệu chính xác, chân thực và khách quan, với sự hỗ trợ kĩ thuật của các tư vấn Ngân hàng thế giới và trong nước, Ban Quản lý Chương trình ETEP đã phối hợp Trường ĐHSP Hà Nội và Học viện Quản lý giáo dục xây dựng Bộ công cụ đánh giá năng lực và nhu cầu bồi dưỡng của GV&CBQL cơ sở giáo dục phổ thông với cách tiếp cận hiện đại về đánh giá năng lực và nhu cầu người học.

Việc thiết kế thang đo của Bộ công cụ dựa trên các năng lực của GV&CBQL cơ sở giáo dục phổ thông theo các chuẩn nghề nghiệp sửa đổi, chú trọng những năng lực cốt lõi, cần thiết nhất của GV&CBQL cơ sở giáo dục phổ thông trong bối cảnh triển khai đổi mới giáo dục, đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông.

Bộ công cụ sẽ thu thập thông tin ở 3 lĩnh vực chính: Năng lực thực tại của GV/CBQL cơ sở giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp; Nhu cầu bồi dưỡng của GV/CBQL cơ sở giáo dục để thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục và chương trình giáo dục phổ thông và Thực trạng điều kiện học tập/bồi dưỡng của cá nhân/nhà trường.

Nhóm nghiên cứu đã tổ chức lấy ý kiến GV, CBQL các cấp, các chuyên gia hàng đầu về đánh giá giáo dục, triển khai đánh giá thử và xin ý kiến các Hội đồng thẩm định về bộ công cụ này.

Bộ công cụ sau khi hoàn thiện, sẽ được các trường ĐHSP trong Chương trình ETEP sử dụng để khảo sát, đánh giá năng lực, nhu cầu bồi dưỡng GV&CBQL cơ sở giáo dục phổ thông tại 11 tỉnh/thành phố đại diện các vùng miền, được trông đợi sẽ mang lại thông tin chính xác, tin cậy làm cơ sở cho việc thiết kế chương trình và tổ chức các khóa bồi dưỡng GV/CBQL cơ sở giáo dục phổ thông - một kết quả quan trọng của Chương trình ETEP.

PGS.TS Nguyễn Thuý Hồng, Giám đốc Chương trình ETEP nêu rõ quan điểm: "Đánh giá chính xác năng lực và nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên là cơ sở quan trọng để thiết kế chương trình học phù hợp, hiệu quả, đòi hỏi phải có một bộ công cụ chuẩn thì mới cho thông tin chính xác về năng lực và nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên.

Tổ chức khảo sát tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường ĐHSP và Sở GD&ĐT, chắc chắn thông tin thu được sẽ phản ánh chính xác năng lực, xác định đúng và trúng nhu cầu bồi dưỡng của GV&CBQL cơ sở giáo dục”.

Từ kết quả khảo sát, Chương trình ETEP xây dựng các chương trình bồi dưỡng thực sự sát hợp với người học. Những GV/CBQL có năng lực ở bậc cao sẽ được lựa chọn để tập huấn GV/CBQL cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Các GV/CBQL còn hạn chế về những năng lực nào sẽ lựa chọn các nội dung phù hợp để tham gia các khóa bồi dưỡng do ETEP tổ chức.

Để hoàn chỉnh lần cuối, trong 4 ngày (4, 5,6,7 tháng10/2017), tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Chương trình ETEP tổ chức hội thảo, tập huấn về Bộ công cụ khảo sát đánh giá năng lực và nhu cầu bồi dưỡng GV&CBQL cơ sở giáo dục phổ thông với sự tham gia của 130 đại biểu của 8 trường Đại học sư phạm chủ chốt (ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Hà Nội 2, ĐHSP – ĐH Thái Nguyên, ĐHSP – ĐH Vinh, ĐHSP - ĐH Huế, ĐHSP – ĐH Đà Nẵng, ĐHSP Tp HCM, Học viện Quản lý Giáo dục) và 11 Sở GD&ĐT và các đơn vị quản lí, nghiên cứu thuộc Bộ GD&ĐT.

Các đại biểu đã tập trung góp ý cho các phiếu hỏi, phương thức tổ chức khảo sát thu thập thông tin, nhập và xử lí số liệu sao cho thu thập được thông tin khách quan và chính xác nhất, phù hợp với tâm lí cung cấp thông tin của các đối tượng trong phạm vi mẫu điều tra đại diện cho các cấp học, các địa bàn (thành thị, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số ....) trên cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ