Nếu như trước đây, các vụ xâm hại tình dục chủ yếu xảy ra ở các nơi vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, hẻo lảnh, dân trí thấp, thì hiện nay nhiều vụ xâm hại tình dục được phát hiện ở các khu đô thị, thành phố lớn. Các em đều thiếu kiến thức và kỹ năng phòng tránh, nhiều em bị xâm hại nhiều lần nhưng không dám nói với bố mẹ, với người thân.
Xây dựng kỹ năng phòng vệ cho trẻ em ngay từ gia đình, ngay từ bậc mầm non, tiểu học là điều cần phải làm ngay, không thể chậm trễ.
Cần phải giáo dục giới tính, kỹ năng phòng vệ cho trẻ từ sớm
Hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra chính tại học đường trong thời gian qua đã khiến dư luận căm phẫn như vụ Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đinh Bằng My (Phú Thọ) bị bắt vì xâm hại tình dục các nam học sinh; vụ thầy giáo ở Bắc Giang dâm ô 13 nữ sinh; thầy giáo ở Lào Cai bị tố làm nữ sinh lớp 8 mang thai; thầy giáo ở Bình Thuận dâm ô với 8 học sinh tiểu học…
Ở vụ việc Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đinh Bằng My, các em bị xâm hại trong một thời gian dài nhưng không dám tố cáo, điều này thể hiện nỗi đau khi các em ở vào “thế yếu”, sợ bị trù dập…
Theo Luật sư Tạ Ngọc Vân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nguyên nhân trực tiếp là nghi can đã không vượt qua được những dục vọng thấp hèn của mình, dùng chính quyền lực và vai trò của mình để ép hoặc dụ dỗ các em để thỏa mãn những nhu cầu đó.
Đánh giá về sự gia tăng của xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, đây là một sự thật đau lòng mà chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ. Những đối tượng phạm tội đổ lỗi do bị ảnh hưởng của phim ảnh khiêu dâm tràn lan trên mạng xã hội hay vì một lý do nào khác đã bột phát hành vi thú tính là không thể chấp nhận được.
Theo BS Trọng An, nguyên nhân gây lên tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nhiều như hiện nay là do nhiều bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ thiếu hụt kỹ năng, kiến thức bảo vệ trẻ em, đặc biệt là kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho con em mình. Trong nhà trường và gia đình, giáo dục giới tính rất muộn và hời hợt; giáo dục luật pháp và tình dục an toàn còn mang tính hình thức. Do vậy học sinh đã không được trang bị các kỹ năng sống cần thiết.
Nhiều gia đình nghĩ con còn nhỏ, ngần ngại giáo dục giới tính sớm cho trẻ hoặc bố mẹ mải đi làm, không quan tâm đến con khiến con họ bị xâm hại tình dục trong thời gian dài không hề hay biết. Điển hình là vụ một bé gái ở Bắc Kạn, do mẹ mải đi làm, về nhà mệt mỏi lại nghe con kể một vài hành động thân mật quá giới hạn của “anh hàng xóm”, người mẹ này đã gạt đi. Đến khi cô bé bị anh hàng xóm xâm hại tình dục, gây ra hậu quả nặng nề thì người mẹ mới hốt hoảng trình báo cơ quan Công an.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An tuyên truyền về cách phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Nội)
Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nguyên nhân do chúng ta chưa phổ biến giáo dục về xâm hại tình dục và các biện pháp phòng tránh cho trẻ em một cách thực chất.
Ở nước ta, nói về tình dục như một điều xấu cần tránh né mà không nhìn thẳng vào để nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp. Ngay cả trong việc quan hệ tình dục tự nguyện của các em cũng không được giáo dục kỹ.
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Hiện nay, các quy định về bảo vệ trẻ em của Việt Nam tương đối đầy đủ như chúng ta đã tham gia sớm Công ước quốc tế về Quyền trẻ em; Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ luật Hình sự… Các lực lượng như Công an, Viện KSND, Tòa án các địa phương đã khởi tố, điều tra, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi xâm phạm tình dục trẻ em, trong đó có cả những mức án chung thân, tử hình. Nhưng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn không giảm, mà ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng.
Để ngăn ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cần phải xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý đủ mạnh. Luật sư Tạ Ngọc Vân cho biết, hiện Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ và chi tiết về xử lý những hành vi liên quan đến xâm hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cho trẻ em.
Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1-1-2018 có quy định về “hành vi quan hệ tình dục khác” để điều chỉnh hành vi quan hệ giữa những người cùng giới với nhau. Tuy nhiên, khung hình phạt hiện nay quá rộng, với mức khởi điểm thấp, từ 3-10 năm tù nếu phạm tội ở Khoản 2 Điều 145, từ 6 tháng đến 3 năm nếu phạm tội ở Khoản 1 Điều 146 hoặc từ 3 đến 7 năm ở Khoản 2.
Như vậy, về lý thuyết, đối tượng có hành vi xâm hại nhiều trẻ em vẫn có thể được hưởng án treo… Điều này là không công bằng và không đảm bảo tính răn đe. “Phải xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, một phần là để trừng trị kẻ phạm tội, đồng thời răn đe những đối tượng có ý định phạm tội” - Luật sư Tạ Ngọc Vân cho biết.
Còn theo Luật sư Trương Tiến Hùng, ở nhiều nước, xâm hại tình dục trẻ em được coi là trọng tội và xử lý rất nghiêm khắc. Ở nước ta, hiện luật vẫn chưa hướng dẫn thế nào là hành vi dâm ô. BS Nguyễn Trọng An cho rằng, chúng ta phải bổ sung những thiếu hụt trong văn bản pháp luật như: Định nghĩa dâm ô trẻ em; Chế tài xử phạt nghiêm khắc và răn đe; Cơ chế giám sát độc lập, nâng cao vai trò và sự tham gia giám sát của các tổ chức xã hội, tổ chức chuyên môn phi lợi nhuận nhằm đảm bảo tính khách quan và minh bạch trong quá trình thực thi quyền trẻ em và thực thi luật pháp tại Việt Nam.
Theo BS An, trong khi chờ hoàn thiện luật pháp, chúng ta phải bảo vệ trẻ em bằng việc xây dựng các kỹ năng phòng tránh. Chúng ta cần sớm kiện toàn mạng lưới cán bộ công tác xã hội và cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Mạng lưới này không chỉ hỗ trợ kỹ năng, kiến thức bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục cho các bậc cha mẹ, mà còn làm tốt công tác phòng ngừa thông qua hoạt động tư vấn cộng đồng, phát hiện các gia đình có nguy cơ, ngăn chặn sớm các vụ việc.
BS An cho rằng, để giáo dục trong nhà trường có hiệu quả thì cần phải cải tổ chương trình giáo dục Việt Nam, tuy nhiên đây là một việc khó thực hiện. Giải pháp trước mắt là cần sớm thiết lập hệ thống tư vấn tâm lý học đường, có biên chế giáo viên tâm lý cho các nhà trường, đưa giáo dục giới tính sớm ngay từ hệ thống mẫu giáo.
Tiếp đến là phải đẩy mạnh môn giáo dục pháp luật, quyền con người và cuối cùng là giáo dục tình dục an toàn từ cấp học phổ thông cơ sở trở lên. Đặc biệt siết chặt chất lượng tuyển chọn giáo viên, cả về chuyên môn, đạo đức và sức khỏe.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, cha mẹ chính là người giáo dục kiến thức, hướng dẫn, trang bị kỹ năng phòng vệ xâm hại cho trẻ một cách gần gũi, hiệu quả nhất. Luật sư Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Bình An (Hà Nội) cho biết, ông rất ấn tượng với kỹ năng sống trang bị cho trẻ em là Quy tắc Đồ lót mà tổ chức NSPCC - Tổ chức từ thiện vì trẻ em của Anh kêu gọi các phụ huynh nên dạy con của mình: Nên cho trẻ mặc đồ lót khi con được 3 tuổi; hãy nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sỹ, y tá hay bố mẹ. Bác sỹ, y tá phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích cho bé là họ cần chạm vào để làm gì và phải được sự đồng ý của con… Quy tắc này còn giúp trẻ nhận thức được rằng, trẻ có quyền nói không với những động chạm của bất kể ai, ngay cả người trong gia đình…
Nếu như các cơ quan bảo vệ pháp luật, gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội cùng chung tay thực hiện các giải pháp, hy vọng trong tương lai, nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục chắc chắn sẽ giảm.