Vì vậy, nhà trường cần coi mình là chủ yếu để tìm ra một số biện pháp làm giảm thiểu nạn bạo lực học đường diễn ra trong cơ sở giáo dục cuả mình.
Trước hết, thầy cô phải là người gương mẫu, nêu gương sáng cho học trò ở mọi nơi mọi lúc. Phải tự xác định được khi đã chọn nghề sư phạm là dạy người, nên đôi lúc cần sự kiềm chế ở các chỗ đông người. Các hành vi ứng xử cũng cần chuẩn mực hơn những người khác để phụ huynh và học sinh noi theo.
Tôi đã chứng kiến một đám tang đi trên đường. Lúc ấy đang giờ đi làm buổi sáng. Rất nhiều người vẫn phóng xe máy đi qua, khăn mũ sùm sụp, (thậm chí có người còn bóp còi inh ỏi).
Nhưng có một người xuống xe, tắt máy, bỏ khẩu trang và mũ ra rồi dắt bộ đi qua đám tang, sau đó mới lên xe đi tiếp. Đằng sau xe là một chiếc cặp sách. Mọi người trong đám tang đều tròn mắt ngạc nhiên và sau đó hiểu ra đó là hành vi lịch sự tối thiểu thì đồng lòng tán thưởng. Người vừa thực hiện hành vi đẹp ấy là một thầy giáo trường làng.
Vậy chúng ta hãy nêu gương trong cách ứng xử hàng ngày để học trò thấy được chuẩn mực của người thầy khác với người khác trong xã hội. Và những điều thầy nói đi đôi với việc thầy làm. Nếu có va chạm nhẹ ngoài đời thường cũng nên hết sức tránh, nhất là đối xử ở gia đình, khu dân cư... làm sao để hình ảnh người thầy luôn mẫu mực trong mắt các em.
Khi dạy trên lớp, ngoài việc truyền thụ kiến thức cơ bản cuả bài học, cần minh hoạ bằng những tấm gương cụ thể quanh học trò (ở trường, ở lớp, ở địa phương), hạn chế dẫn giải những tấm gương chỉ có trong sách vở mà các em không được chứng kiến.
Mặt khác, trong các giờ thể dục, ngoại khoá, hoạt động ngoài giờ lên lớp... nên đưa trò chơi dân gian vào các trường học. Vì các trò chơi dân gian này thường là những trò hết sức lành mạnh, đoàn kết tập thể, gắn bó với thiên nhiên hoa lá cỏ cây, tạo sự hòa đồng cho các em trong hoạt động tập thể.
Hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn. Nhà trường cần cử ra một cán bộ chuyên trách về hoạt động này, thay vì giao kiêm nhiệm cho các TPT Đội như hiện nay. Cùng với hoạt động ngoài giờ lên lớp, cần có một số cuộc nói chuyện chuyên đề về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Việc giáo dục kỹ năng sống cho các em giúp các em định hướng được những hành vi chuẩn, xử lý các tình huống gặp phải trong cuộc sống một cách tự lập, có tình người, tránh bạo lực, đao to búa lớn.
Thầy cô nên đối xử với các em như những người bạn, xử lý tế nhị, nhân hậu khi học trò mắc lỗi, để các em thấy được lòng nhân hậu ấy là liều thuốc quý cho tâm hồn.
Ngoài việc dạy các môn tự nhiên, việc dạy tự chọn cần chú ý đến các môn xã hội, đặc bịêt là lịch sử, GDCD, mở các câu lạc bộ tự chọn như nhạc, hoạ, thể thao.
Qua đó học trò gắn bó đoàn kết hơn. Khi dạy sử cần chú trọng kiến thức sử địa phương, vì qua đó các em thêm tự hào với những truyền thống cuả quê hương mình, mà phấn đấu rèn luyện sao cho xứng với những gì cha ông đã xây dựng.
Việc giáo dục này cũng cần sự phối hợp chặt chẽ cuả hội phụ huynh học sinh khi các em ở nhà, hết sức tránh những gì va chạm không cần thiết gây rạn nứt tình cảm của cha mẹ, cuả người lớn quanh môi trường giáo dục.
Các địa phương nên quan tâm đến môi trường giáo dục quanh nhà trường, hạn chế những sự xuất hiện của thanh thiếu niên hư. Người lớn cần ứng xử sao cho có văn hoá để các em trông vào mà làm gương, làm sao tạo được không khí thuận hoà trong gia đình, yên ổn ngoài xã hội.
Các bậc cha mẹ hãy bớt thời gian đưa các em đi thăm bảo tàng, tham gia các trò chơi dân gian, xem biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian như rối nước, đánh đu.
Rất mừng là một số địa phương - đặc biệt nông thôn - vẫn giữ được các phong tục cổ truyền ngày Tết như đánh đu, ném còn, và các trò chơi dân gian khác. Những trò chơi này đã hàn gắn những vết rạn trong tâm hồn các em, giúp các em thêm yêu những giá trị đạo lý truyền thống dân tộc hơn.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” là khẩu hiệu mà cả nhân loại đang thực hiện. Muốn vậy, chúng ta hãy tạo cho các em một môi trường phát triển lành mạnh, hoà bình, yên ổn. Mỗi bậc cha mẹ hãy là những người bạn, lắng nghe các em nói để chỉ bảo tận tình.
Mỗi thầy cô hãy như một bậc cha mẹ, dạy dỗ và làm gương cho các em ở mọi nơi, mọi lúc. Mỗi cấp, mỗi ngành hãy chung tay góp sức cùng ngành giáo dục tạo được môi trường lành mạnh, không có bạo lực, để những “búp trên cành” ấy được phát triển tốt ở vườn ươm trong lành, không có “độc hại”.