Ai cũng nghĩ đây là một phát hiện khảo cổ “vô tiền khoáng hậu”, nhưng sự thật chỉ là một trò lừa đảo tinh vi.
Phát hiện gây xôn xao
Vào tháng 10/2000, cảnh sát ở Karachi, Pakistan nhận được tin báo có một người đàn ông tên là Ali Akbar đang rao bán một xác ướp với giá 600 triệu rupee, tương đương khoảng 11 triệu USD. Theo nguồn tin, đó không phải là một xác ướp bình thường, mà là “Công chúa Ba Tư”.
Ngay lập tức, cảnh sát đột kích vào nhà của Akbar, khám xét và thẩm vấn nghi phạm. Sau đó, Akbar đưa cảnh sát đến nhà của đồng phạm, Wali Mohammad Reeki, ở vùng sa mạc thuộc tỉnh Baluchistan. Tại đây, xác ướp nghi vấn cùng với chiếc quan tài được tìm thấy. Reeki thừa nhận đã mua cổ vật từ một người đàn ông tên là Sharif Shah Bakhi.
Người này cho ông ta biết đã phát hiện thi hài trên sau trận động đất gần Quetta, thuộc khu vực biên giới Iran và Afghanistan. Hai người đàn ông bị bắt vì buôn lậu cổ vật, nhưng bí ẩn về xác ướp chỉ mới bắt đầu.
Nếu đúng là “Công chúa Ba Tư” thì đây sẽ là một phát hiện vô cùng quan trọng, vì từ trước đến nay chưa có xác ướp nào của người Ba Tư (Iran ngày nay) được tìm thấy. Xác ướp được đưa đến Bảo tàng Quốc gia ở Karachi để các chuyên gia phân tích và nhiều bí ẩn xung quanh người cổ này được hé lộ.
Thi thể được ướp xác theo kiểu Ai Cập, có mặt nạ và vương miện bằng vàng, đặt trên một chiếc chiếu lau sậy. Nhưng phát hiện thú vị nhất là một miếng giáp che ngực xác ướp, trên đó có dòng chữ Ba Tư cổ đại, “Tôi là con gái của vua Xerxes vĩ đại. Mazereka bảo vệ tôi. Tôi là Rhodugune”.
Ngoài ra, trên cỗ quan tài bằng gỗ mạ vàng còn được trang trí bằng những dòng chạm khắc cũng bằng chữ Ba Tư cổ. Tất cả dường như thể hiện đây thực sự là Công chúa Ba Tư.
Nhà khảo cổ học người Pakistan, Ahmad Hasan Dani, thuộc Đại học Quaid-e-Azam của Islamabad, đã hào hứng tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, qua những gì ghi nhận được, xác ướp thực sự là một công chúa Ba Tư, sống vào khoảng năm 600 trước Công nguyên.
Sự kiện này làm dấy lên cuộc tranh chấp giữa Iran và Pakistan về quyền sở hữu phát hiện khảo cổ chưa từng có này. Tổ chức Di sản Văn hóa Iran tuyên bố “công chúa” là thành viên của Hoàng gia Ba Tư và yêu cầu Pakistan trả lại xác ướp, thậm chí phong trào Taliban ở Afghanistan cũng tuyên bố đây là cổ vật của riêng họ.
Sự thật bất ngờ
Những tranh cãi gay gắt giữa các bên đã trở thành một rắc rối về chính trị, dễ dẫn đến xung đột. Trong khi đó, một số nhà khảo cổ học khác đã nêu lên những hoài nghi rằng, đây có phải là “Công chúa Ba Tư”, thậm chí có thực sự là xác ướp hay không.
Một cuộc kiểm tra độc lập được tiến hành và các nhà khảo cổ đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Trước hết, các chuyên gia ngôn ngữ cổ đại nhận thấy chữ viết trên tấm khiên che ngực xác ướp và quan tài được thể hiện bởi một người không thông thạo ngôn ngữ Ba Tư cổ đại, đầy rẫy những lỗi ngữ pháp, và còn có dấu vết của bút chì đánh dấu để khắc chữ, mà bút chì chỉ được phát minh vào thế kỷ thứ 16.
Ngoài ra, một mảnh quan tài qua kiểm tra cho thấy, nó chỉ khoảng 250 năm tuổi, và tấm thảm bên dưới thi thể được phát hiện chỉ mới… 5 năm tuổi.
Những dấu hiệu bất thường cũng được tìm thấy trong cơ thể của “công chúa”, chẳng hạn như những sợi gân và dây chằng mỏng manh của tai giữa vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù đã hàng nghìn năm trôi qua và quy trình ướp xác không tuân theo các phương pháp nghiêm ngặt của Ai Cập.
Ví dụ, trái tim đã bị cắt bỏ, điều mà người Ai Cập không bao giờ làm, vì nó được xem là quan trọng để tái tạo cơ thể của một người khi họ đến thế giới tiếp theo.
Nhiều lần quét CAT (chụp cắt lớp trục trên máy vi tính), kiểm tra xác định niên đại bằng máy gia tốc khối phổ, kiểm tra carbon phóng xạ và quét tia X, tất cả đều chứng minh rằng đây là một trò lừa bịp tinh vi.
Cuối cùng, các nhà khoa học xác định, chẳng có “Công chúa Ba Tư” nào cả, mà đây là thi thể của một cô gái 16 tuổi, có thể đã chết vào năm 1996, chứ không phải năm 600 trước Công nguyên.
Không chỉ vậy, có bằng chứng cho thấy, cô gái đã bị sát hại vì mục đích lừa đảo này. Các chuyên gia còn phát hiện “xác ướp” đã chết vì chấn thương do lực tác động mạnh khiến đốt sống cổ và lưng của cô ấy bị gãy.
Nội tạng của cô bị lấy ra, khoang cơ thể chứa đầy muối ăn và muối nở, một quy trình ướp xác giả. Tất cả những điều này có khả năng được thực hiện trong vòng 24 giờ sau khi cô qua đời.
Từ một vụ buôn lậu cổ vật giờ chuyển thành một vụ án giết người. Người ta cho rằng, một nhóm buôn bán cổ vật giả đã giết chết cô gái tội nghiệp này một cách tàn nhẫn, hoặc ít nhất là đánh cắp thi thể của cô ấy ngay sau khi cô chết, để chế biến thành một xác ướp lừa bán lấy tiền.
Tuy nhiên, mặc dù cảnh sát đã thẩm vấn tất cả những người liên quan đến việc bán xác ướp, cũng như một số nghi phạm khác, nhưng đều chẳng dẫn đến đâu.
Cuối cùng, không những không ai bị bắt do liên quan đến cái chết của người thiếu nữ này, mà nạn nhân cũng không được xác định danh tính. Cô ấy đã mòn mỏi ở trong viện bảo tàng một thời gian, trước khi được chôn cất vào năm 2008 do tổ chức từ thiện Edhi Foundation có trụ sở tại Pakistan thực hiện.
Mặc dù cuối cùng, cô cũng được an nghỉ nhưng vẫn vô danh, vô thừa nhận, nguyên nhân cái chết cũng không được làm sáng tỏ, mãi mãi được gọi với cái tên đơn giản là “Công chúa Ba Tư”.