Tài liệu truy tố cùng lời khai của bị cáo cho thấy, đầu năm 2011, Trần Văn Một thành lập Công ty TNHH một thành viên Hà Nội - Hoàng Ngân (gọi tắt là Công ty Hoàng Ngân) với số vốn đăng ký lên tới 500 tỷ đồng.
Mặc dù đăng ký vốn điều lệ hoành tráng như vậy và có tới 43 ngành nghề kinh doanh, song từ khi thành lập đến ngày Một bị bắt giữ về hành vi lừa đảo (tháng 8/2012), công ty này không có bất kỳ một hoạt động sản xuất hay kinh doanh nào.
Cũng vào đầu năm 2011, Một thông qua người quen vay của bà Vũ Thị Thuận (trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) 4,4 tỷ đồng với tiền lãi phát sinh là 50.000 USD.
Toàn bộ số tiền này, theo lời khai của Một là đã chuyển hết cho đối tượng tên Nguyễn Đức Khải, song không rõ tên tuổi, địa chỉ. Do Khải cầm tiền “mất hút” nên Một không còn khả năng thanh toán cho bà Thuận. Thế nên khi liên tục bị thúc nợ, Một đã nghĩ ra “độc chiêu” để lừa tiền của mọi người.
Để dễ bề thực hiện ý đồ xấu, Một mời ông Phạm Văn Cường (trú ở Phú Thọ) và ông Phan Viết Ngọ (ở Nghệ An) tham gia lãnh đạo Công ty Hoàng Ngân với chức danh Phó Tổng giám đốc “ảo”.
Sau đó, đối tượng còn lôi kéo thêm ông Hà Đình Cử (trú tại Bắc Giang) và bà Nguyễn Thị Hà (ở quận Hoàng Mai) làm thành viên của doanh nghiệp.
Trước đó, Một biết rõ kho báu “Hoa Mai Hội” mà dư luận đồn thổi một thời chỉ toàn hiện vật giả, trong đó có tiền đồng xu USD cổ giả nên nhanh chónh thêu dệt một câu chuyện “ăn theo” kho báu này.
Một tiết lộ cho các thành viên công ty biết kho báu chứa toàn tiền xu USD cổ thực chất do một vị tướng quản lý. Nhưng vì vị tướng đang lâm bệnh hiểm nghèo nên đối tượng được giao quản lý và thực hiện chương trình hoán đổi “báu vật” USD cổ sang tiền hiện hành.
Tiếp đến, thi thoảng Một lại triệu tập các thành viên dự họp đột xuất để bàn về chương trình khai thác kho báu. Trong một lần trao đổi, Một còn đưa ra dự thảo bản hợp đồng hợp tác và hoán đổi tiển cổ, trị giá lên tới 200 tỷ đồng giữa Công ty Hoàng Ngân với đối tác.
Phần nào mê hoặc được mọi người, Một làm ra vẻ công ty đang gặp khó khăn về tài chính nên đề nghị các thành viên cho vay tiền và huy động vốn bên ngoài để triển khai dự án.
Tưởng thật nên trung tuần tháng 5-2011, ông Ngọ đã cho công ty vay 39,5 triệu đồng và sau đó tiếp tục về quê huy động từ người quen tổng cộng được hơn 400 triệu đồng nữa và tất cả đều giao hết cho Một.
Từ tháng 5 - 9/2011, Một còn bàn bạc, thống nhất với đối tượng tên Tống Văn Biên (ở TPHCM) và Đèo Văn Nghĩa (ở Lai Châu) cùng nhau buôn bán USD thật từ Trung Quốc về Việt Nam.
Để có tiền thực hiện việc buôn bán USD bất hợp pháp, Một tiếp tục tạo dựng ra việc có nguồn tiền xu USD cổ rất lớn và đang trong giai đoạn hoán đổi ra tiền tệ hiện hành.
Với chiêu trò bày ra, Một đã dễ dàng huy động được tổng cộng hơn 3,4 tỷ đồng của hàng chục người quen biết sống ở nhiều tỉnh, thành phố. Thế nhưng sau khi nhận được tiền của những người này, Một mang trả nợ và ăn tiêu cá nhân hết.
Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT xác định không hề có kho báu như Một “vẽ ra”. Đối với Tống Văn Biên, Đèo Văn Nghĩa và Trần Văn Một có hành vi chuẩn bị mua bán tiền tệ bất hợp pháp và đã bị khởi tố bị can.
Sau xét thấy hành vi của các đối tượng chưa diễn ra và cũng chưa gây hậu quả cho xã hội nên các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định đình chỉ điều tra về hành vi này…
Tại phiên tòa, bước đầu Trần Văn Một thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người bằng thủ đoạn thêu dệt nên câu chuyện đang quản lý một kho báu tiền cổ.
Thế nhưng xét thấy lời khai của bị cáo có nhiều điểm mâu thuẫn với lời khai của một số người liên quan và cần phải làm rõ thêm một số tình tiết khác của vụ án, do đó sau nửa ngày xét xử, Hội đồng Xét xử sơ thẩm đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.