Xác sư tử hang động con còn nguyên lớp lông.
Hai con sư tử nhỏ tên Uyan và Dina chỉ khoảng một tuần tuổi mất khi một chiếc hang ở Siberia, miền bắc nước Nga đổ sập cách đây 30.000 năm, nhóm nhà cổ sinh vật và sinh vật học quốc tế kết luận trong báo cáo công bố tại cuộc họp của Hiệp hội Cổ sinh vật học Động vật có xương sống, theo Seeker.
“Chúng bị đè đến chết”, Olga Potapova, quản lý bộ sưu tập tại bảo tàng Mammoth Site ở Hot Springs, South Dakota, Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu, nói.
Theo Potapova, con sư tử hang động cuối cùng sống ở Alaska cách đây khoảng 14.000 năm. Giới nghiên cứu biết rất ít về quá trình phát triển từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành của sư tử hang động. Do đó, phát hiện đôi sư tử con có ý nghĩa rất quan trọng, giúp hé lộ cách sư tử cổ đại sinh trưởng khi so sánh với các loài hiện đại.
Xác sư tử Uyan nguyên vẹn hơn Dina, nặng khoảng 2,8 kg, nhỉnh hơn 2,1 kg so với sư tử hiện đại mới chào đời. Do những con non không có đặc điểm giới tính dễ nhận biết, nhóm nghiên cứu không thể xác định rõ Uyan và Dina là con đực hay con cái.
Cơ thể Uyan có kích thước tương đương một con mèo nhà trưởng thành, dài 43 cm. Chiếc đuôi dài 7 cm của nó chiếm 23% chiều dài cơ thể, ngắn hơn nhiều so với phần đuôi chiếm 60% chiều dài cơ thể của loài sư tử hiện đại, Potapova cho biết. Chân của Uyan vẫn chưa phát triển đầy đủ để đi lại, nhưng chắn chắn nó có thể bò. Uyan cũng mọc nhiều lông, phần lông của nó dài 3 cm.
Dina và Uyan còn quá nhỏ nên chưa thể nhìn rõ. “Mí mắt của Dina vẫn khép kín, trong khi đó, mắt trái của Uyan nhắm chặt còn mí mắt phải hơi hé mở”, Potapova báo cáo. Các nhà nghiên cứu chưa rõ mí mắt phải của Uyan mở ra trước hay sau khi con vật chết.
Sư tử hiện đại không mở mắt trong vòng 2-3 tuần sau khi sinh và chúng chưa thể nhìn rõ trong một tuần sau đó. Xét theo độ tuổi của Uyan, nhiều khả năng mắt của con vật vẫn đóng khi chết.
Răng sữa của sư tử hiện đại nhú ra khi con non ba tuần tuổi, được thay thế bằng răng vĩnh viễn ở ba tháng tuổi. Tuy nhiên, bản chụp cắt lớp vi tính xác Uyan và Dian cho thấy răng sữa và răng vĩnh viễn chuẩn bị mọc bên dưới lợi của cả hai con vật. “Quá trình mọc răng sớm của Uyan chỉ ra răng sữa chắn chắn sẽ rụng ở thời điểm sớm hơn, độ khoảng hai tháng tuổi”, nhóm nghiên cứu suy đoán.
Do hai con non chưa có răng, chúng vẫn bú sữa mẹ. Dạ dày của Uyan trống rỗng, nhưng bản chụp cắt lớp cho thấy nó đã bú sữa mẹ vài tiếng trước khi chết.
Dù xác hai con sư tử được bảo quản hoàn hảo, ADN của chúng ở tình trạng tồi tệ nên không thể nhân bản, Beth Shapiro, phó giáo sư khoa Sinh thái học và Sinh học tiến hóa tại Đại học California, Santa Cruz, Mỹ, cho biết.