Xã vùng biên chuyển mình nhờ xuất khẩu lao động

GD&TĐ - Những năm gần đây, cuộc sống của người dân Quang Chiểu (Thanh Hóa) có nhiều thay đổi nhờ xuất khẩu lao động.

Nhiều nhà dân ở khu trung tâm xã Quang Chiểu trở nên khá giả nhờ có con cái đi XKLĐ.
Nhiều nhà dân ở khu trung tâm xã Quang Chiểu trở nên khá giả nhờ có con cái đi XKLĐ.

Quang Chiểu là xã vùng biên giới ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa. Những năm gần đây, cuộc sống của người dân Quang Chiểu có nhiều thay đổi nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Vùng quê chuyển mình

Về thăm xã Quang Chiểu (Mường Lát, Thanh Hóa), chúng tôi nhận thấy sự thay đổi đáng kể của địa phương này. Những ngôi nhà cao tầng, khang trang được xây dựng hai bên đường ở bản Pùng, bản Xim (khu vực trung tâm xã) thể hiện sự chuyển mình trong đời sống của người dân nơi đây.

Trò chuyện với Báo GD&TĐ, Bí thư Đảng ủy xã Hà Văn Hoàn cho hay, vài năm trở lại đây, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương đã có sự thay đổi. Trong đó, một phần do địa phương làm tốt công tác XKLĐ.

Hàng năm, lượng ngoại hối chuyển về địa phương tăng lên nhiều. Vì vậy, nhiều gia đình ở Quang Chiểu đã có kinh phí xây dựng nhà cửa khang trang. Con, em của bà con có điều kiện đến trường học tập tốt hơn.

“Do làm tốt công tác XKLĐ, nên năm 2023 trên địa bàn xã đã có nhiều thanh niên rời quê đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, chủ yếu là các thị trường như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc; Liên bang Nga; Trung Đông... Ngoài ra, xã có trên 500 lao động đang tham gia làm việc tại các công ty, xí nghiệp, nông trại ở các tỉnh, thành trong cả nước”, ông Hoàn chia sẻ.

Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Quang Chiểu, xã có 1.235 hộ dân, gần 6.000 nhân khẩu. Hiện nay, số hộ nghèo đang còn 250 hộ, chiếm 20,7% (đã giảm 6% so với năm trước). Số hộ cận nghèo của xã còn 103 hộ, chiếm 8,31%, nếu so với năm trước, thì đã giảm 19,87%. Bình quân thu nhập đầu người đã đạt 38,7 triệu đồng/người/năm.

“Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã giảm xuống ở mức đáng ghi nhận, một phần cũng do làm tốt công tác XKLĐ của địa phương. Có nhiều gia đình nhờ XKLĐ, mà kinh tế đã trở nên khá giả, giàu có. Trong đó, nhiều hộ gia đình ở bản Pùng, bản Xim có con, em đi XKLĐ gửi tiền về, bà con đã xây dựng nhà cửa rất khang trang, to đẹp”, ông Hoàn cho hay.

Gia đình Vi Hồng Inh, ở bản Pùng, xã Quang Chiểu, có hai người con trai đi XKLĐ ở đất nước Hàn Quốc, đã gửi tiền về để bố, mẹ xây nhà lớn, to đẹp. Ông Inh cho biết, năm 2015, con trai ông là Vi Văn Hiếu (SN 1990), học xong hệ cao đẳng nhưng không xin được việc làm đúng ngành học. Do đó, gia đình động viên học tiếng Hàn Quốc để sang đó làm việc.

Thời gian đầu sang Hàn Quốc, anh Hiếu làm việc trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, thu nhập mỗi tháng 30 - 50 triệu đồng. Sau đó, anh Hiếu chuyển sang làm công nhân xây dựng, có mức thu nhập từ 70 - 80 triệu/tháng.

Đến năm 2019, em trai anh Hiếu là Vi Văn Hào (SN 1996) cũng XKLĐ sang Hàn Quốc làm việc. Đến nay, mỗi tháng anh Hào có thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng. Điều đặc biệt, 2 người con trai của ông Inh đều chưa lập gia đình, lại chịu khó làm việc, tích cóp tiền để về quê để bố, mẹ xây nhà, gửi tiết kiệm.

“Xã Quang Chiểu có một số dân tộc chung sống: Thái, Dao, Mông và người Kinh, trong đó đa số là người đồng bào dân tộc Thái. Hầu hết, những người tham gia XKLĐ là con, em đồng bào Thái.

Có người sang Hàn Quốc lao động đã 5 năm và mỗi năm chuyển tiền về cho gia đình một số tiền khá lớn. Theo thống kê sơ bộ, năm 2023, toàn xã có số lượng ngoại hối từ những người đi lao động ở nước ngoài chuyển về đạt khoảng trên 80 tỷ đồng”, ông Hoàn chia sẻ.

Điển hình về lao động “xuất ngoại”

Những ngôi nhà tiền tỷ của người dân xã Quang Chiểu nhờ XKLĐ.

Những ngôi nhà tiền tỷ của người dân xã Quang Chiểu nhờ XKLĐ.

“Những gia đình có người đi XKLĐ, thì đời sống kinh tế khả giả hơn nhiều so với gia đình khác. XKLĐ đang giúp nhiều gia đình ở xã Quang Chiểu thoát nghèo bền vững. Cũng nhờ đó, mà bà con trong xã có điều kiện và quan tâm đến chuyện học hành của con cái”, ông Vi Văn Thuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho biết.

Theo thống kê của UBND xã Quang Chiểu, tính đến thời điểm hiện nay, địa phương này đã có 317 người đi XKLĐ. Trong đó, thị trường Đài Loan có số người tham gia XKLĐ nhiều nhất, với 150 người; Hàn Quốc là 85 người; Nhật Bản 45 người.

Ngoài ra, ở các thị trường như: Liên bang Nga; Trung Đông; Rumania xã Quang Chiểu đang có gần 40 người XKLĐ. Hiện tại, địa phương này đang có hơn 50 người tham gia học tiếng Hàn Quốc và hơn 30 người đã thi xong, đang chờ làm thủ tục xuất cảnh.

Thực tế cho thấy, ở Mường Lát, diện tích đất sản xuất ít và nghèo dinh dưỡng. Lâm sản phụ từ rừng không đủ để duy trì, đảm bảo cuộc sống hằng ngày của người dân.

Những năm gần đây, thanh niên ở huyện vùng biên giới Mường Lát đã tỏa đi làm ăn khắp nơi, để cải thiện đời sống kinh tế. Tuy nhiên, chỉ những người mạnh dạn đi XKLĐ mới thực sự mang lại cuộc sống ấm no, nhiều người đã trở nên giàu có trong vùng.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, cho biết: Mường Lát là một trong những huyện nghèo của cả nước, thu ngân sách năm 2023 của huyện chỉ đạt hơn 9 tỷ đồng, Trong khi đó, chỉ riêng chi ngân sách thường xuyên (tiền lương, chế độ chính sách…) là hơn 400 tỷ đồng.

Theo Bí thư Huyện ủy Mường Lát, công tác XKLĐ trong thời gian qua được huyện rất quan tâm. Số lượng lao động ở các xã tham gia đi làm việc ở ngoài nước ngày càng nhiều. Trong đó, xã Quang Chiểu là địa phương có nhiều người đi XKLĐ nhất huyện.

“Năm 2023, tổng số tiền công dân địa phương này gửi về nước ước đạt hơn 80 tỷ đồng. Nhiều gia đình giàu lên nhờ có con, em đi lao động ở nước ngoài. XKLĐ không những tăng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống mà quan trọng hơn còn làm thay đổi nhận thức, tư duy của người lao động khi hết thời hạn trở về địa phương. Đến thời điểm này, xã Quang Chiểu đang là địa phương dẫn đầu và điển hình về XKLĐ của huyện Mường Lát”, Bí thư Huyện ủy Mường Lát chia sẻ.

“Trước kia, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động công dân trên địa bàn tham gia, nhưng lúc ấy không ai dám đi, do tâm lý người dân lo sợ đi xa. Giờ đây, nhận thấy xuất khẩu lao động mang lại thu nhập cao, nên nhiều gia đình đã động viện con em xuất ngoại. Vừa qua, nhận thấy công tác xuất khẩu lao động của địa phương khá tốt, nên một số xã ở huyện khác cũng đã tổ chức đến học hỏi kinh nghiệm”. Bí thư Đảng ủy xã Quang Chiểu Hà Văn Hoàn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.