Hơn 500 triệu USD kiều hối gửi về Nghệ An nhờ xuất khẩu lao động

GD&TĐ - Với hơn 75.000 người lao động Nghệ An đang làm việc ở nước ngoài, mỗi năm kiều hối gửi về cho người thân ước đạt 500-550 triệu USD.

Một vùng quê ở Nghệ An giàu có, sầm uất nhờ xuất khẩu lao động. Ảnh: Phạm Tâm.
Một vùng quê ở Nghệ An giàu có, sầm uất nhờ xuất khẩu lao động. Ảnh: Phạm Tâm.

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong những năm qua, Nghệ An là một trong những địa phương dẫn đầu số lượng lao động đang làm việc ở nước ngoài.

Theo Sở Lao động – Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Nghệ An, tính riêng năm 2022, số lượng lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 24.560 người (tăng 115,8% so với năm 2021), tập trung vào các thị trường truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngoài ra, một số quốc gia tại Đông Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam, đặc biệt là thị trường Rumani, Hungari... đã tác động mạnh đến người lao động của các huyện miền núi.

Theo Sở LĐ-TB&XH, số lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng có trình độ tay nghề tăng lên chiếm khoảng 60%, tập trung vào các nghề cơ khí, hàn, thợ giàn giáo, ốp lát, may mặc, điện tử, điện lạnh, điều dưỡng, hộ lý... còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề.

Có khoảng 6% lao động có trình độ cao đẳng trở lên cũng tham gia vào thị trường lao động ngoài nước, tập trung vào các ngành như: kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học và điều dưỡng viên...

Xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) sầm uất nhờ người dân đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Phạm Tâm.

Xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) sầm uất nhờ người dân đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Phạm Tâm.

Nghệ An là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng lao động đang làm việc ở nước ngoài với hơn 75.000 người.

Với mức thu nhập bình quân từ 17-35 triệu/ người/ tháng, hàng năm số kiều hối gửi về cho người thân khoảng 500-550 triệu USD góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội.

Một số địa phương có số lượng người đi làm việc ở nước ngoài cao phải kế đến như các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, TX Hoàng Mai... Bên cạnh đó, một số huyện miền núi như Thanh Chương, Đô Lương, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu.

Nhiều người lao động sau khi làm việc ở nước ngoài về nước có tay nghề cao, tiếp tục vào làm việc tại các doanh nghiệp FDI có mức thu nhập cao và ổn định. Cùng với đó là tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh gần có trên 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoạt động dịch vụ việc làm – đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về phối hợp tuyển lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo đánh giá việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa gắn kết chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp, lao động phổ thông chưa qua đào tạo còn lớn.

Vẫn còn hiện tượng người dân làm việc, cư trú bất hợp pháp bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân đã gây thiệt hại cho người lao động và công tác quản lý Nhà nước.

Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; công khai minh bạch hợp đồng tuyển dụng lao động, đơn hàng và các điều kiện cũng như chi phí, tiền lương, thu nhập của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Cơ quan chức năng cũng đưa ra cảnh báo rủi ro sẽ gặp phải khi đi lao động ở nước ngoài tự do (không theo hợp đồng); tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động và việc chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài được đẩy mạnh.

Năm 2023, tỉnh Nghệ An phấn đấu đưa 14.500 người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động lên 60%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ