Lạnh nhạt với các chương trình lao động hấp dẫn
Theo thống kê, từ 2020 đến nay, TP Cần Thơ có 1.428 lao động xuất cảnh đi làm việc tại các thị trường nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan và Nhật Bản.
Tuy nhiên, số người xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài) rất thấp.
Năm 2022 chỉ có 27 người; 8 tháng đầu năm 2023 chỉ có 25 người.
TP Cần Thơ không có người lao động nào đi làm việc theo Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (Chương trình IM Japan).
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có 13.128 lao động đi làm việc ở nước ngoài (5.704 lao động nữ). Thị trường lao động chủ yếu là Nhật Bản (9.772 người), Hàn Quốc (808 người), Đài Loan (1.906 người), Malaysia (186 người) và thị trường khác 456 người.
Chương trình EPS có hiệu quả cao, mang lại nhiều lợi ích cho người lao động nhưng cũng chưa thu hút được nhiều lao động tỉnh này tham gia.
Tình hình này cũng tương tự ở các tỉnh khác của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Sóc Trăng, Hậu Giang…
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ khẳng định, EPS và IM Japan là chương trình hợp tác lao động rất đáng tin cậy, có chi phí thấp, mang đến thu nhập cao cho người lao động.
Nguyên nhân các chương trình này chưa thu hút lao động, theo Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ là do công tác tuyên truyền giới thiệu chưa được sâu rộng, người lao động chưa thật sự hiểu rõ về mục đích cũng như quyền lợi khi tham gia.
Việc học ngoại ngữ (tiếng Hàn Quốc và tiếng Nhật Bản) là rào cản lớn nhất đối với người dân, đặc biệt ở vùng quê miền Tây Nam Bộ.
Nhiều người cũng còn lo ngại về thời gian và địa điểm học tập cũng như có tâm lý lo lắng khi phải trải qua nhiều vòng thi.
Mặc dù chi phí tham gia chương trình thấp, nhưng người lao động phải ký quỹ với số tiền khá lớn là 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây cũng là điều kiện vượt khả năng của người lao động địa phương.
Đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nguyên nhân chương trình như EPS chưa thu hút là do số lượng tuyển chọn của doanh nghiệp tại Hàn Quốc còn ít, chỉ tiêu người tham gia chương trình còn thấp.
Lao động vùng sâu, điều kiện khó khăn phải tập trung học tiếng Hàn lâu, nhiều lao động sau khi trải qua 2 kỳ thi rồi phải chờ đợi thời gian mới xuất cảnh, quá 2 năm phải thi lại, vì thế nhiều người chờ đợi lâu đã huỷ không tham gia.
Ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hậu Giang cho biết: “Chương trình hợp tác lao động như EPS chi phí đi phù hợp, thu nhập khá cao.
Người lao động đã xuất cảnh đều có việc làm ổn định, thu nhập cao nên dần sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ của gia đình.
Từ đó, dần hình thành phong trào đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các chương trình một phần kém sức hút vì hiện các thị trường truyền thống điều kiện tuyển dụng trở nên khắt khe hơn. Người lao động hiện nay cũng đang hướng đến những thị trường có thu nhập cao hơn”.
Lao động trẻ tìm hiểu thông tin về hợp đồng lao động với nước ngoài. |
Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ
Để hoạt động tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiệu quả hơn, theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ, Bộ LĐTB&XH cần tham mưu Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay vốn ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt là những đối tượng tham gia nghĩa vụ quân sự đã xuất ngũ trong thời hạn 12 tháng.
Chính phủ cũng cần ủng hộ TP Cần Thơ mở sàn giao dịch việc làm điện tử mang tính cấp vùng và uỷ thác cho địa phương thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của người lao động đăng ký tham gia chương trình để thuận lợi hơn trong việc quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bộ LĐTB&XH cần xem xét mở và tổ chức cơ sở đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng tại TP Cần Thơ cho người lao động các tỉnh thành khu vực ĐBSCL có điều kiện tham gia, giảm bớt các chi phí cho người lao động.
Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở LĐTB&XH Sóc Trăng cũng kiến nghị Bộ LĐTB&XH tham mưu Chính phủ nâng hạn mức cho vay cho người lao động đi nước ngoài, có thể lên 200 triệu đồng thay vì hạn mức 100 triệu đồng.
Chương trình mục tiêu Quốc gia dành cho người lao động đi nước ngoài rất ít, chỉ dành cho xã đặc biệt khó khăn, nên chăng cần dành cho cả người lao động, học sinh đi học tập và làm việc tại nước ngoài.
Theo ông Quang, các chương trình đi lao động nước ngoài ngắn hạn giải quyết được vấn đề đời sống và ngoại ngữ, sau này người dân trở về cũng có thể tham gia các ngành nghề du lịch tại địa phương. Vì đó, Trung ương cần hỗ trợ địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
Số lượng người tại ĐBSCL tham gia các chương trình không nhiều, do đó cần phải cải thiện các giải pháp để cho người dân các tỉnh trong khu vực có thể tiếp cận.
Đặc biệt cần có sự phối hợp hỗ trợ giữa Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐTB&XH với các trung tâm tại các địa phương về thông tin các chương trình như EPS, IM Japan.
“Sàn giao dịch việc làm tại các trung tâm cần cải thiện, hiện còn quá yếu, quá ít thông tin cung cấp giữa cung cầu, trong và ngoài nước, đây chưa phải là nơi Nhân dân cần, chưa phải là nơi của tất cả người lao động cần”, Giám đốc Sở LĐTB&XH Sóc Trăng nêu quan điểm.