Thực hiện tự chủ: Các trường không ngồi chờ
Về thực hiện tự chủ ĐH, theo Bộ trưởng, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, Luật Giáo dục được ban hành, tới đây sẽ có một loạt văn bản được ban hành để tạo điều kiện cho tự chủ, nhưng quan trọng là các trường cần nâng cao hiểu biết về pháp lý. Dường như đến nay các trường vẫn chưa thực sự ngấm quy định, nếu không rõ, không ngấm trong quá trình thực hiện khi vướng vào quy định sẽ khó thực hiện.
Bộ trưởng cũng lưu ý, thực hiện tự chủ, các trường phải chủ động, có kế hoạch, đề án lộ trình thực hiện cụ thể, theo đó có kế hoạch đầu tư, kêu gọi đầu tư. Phải dành thời gian chuẩn chỉnh chiến lược 5 năm, 10 năm. Một yếu tố cần quan tâm khi xây dựng kế hoạch, đề án là về Hội đồng trường, các trường cần dành thời gian nghiên cứu kỹ vấn đề này.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng một số tài liệu dạng sổ tay thực hiện tự chủ để hỗ trợ các trường. Ngoài ra, cũng sẽ có các khóa bồi dưỡng cho các trường về những vấn đề còn khó khăn, bỡ ngỡ trong quá trình thực hiện tự chủ. Nhưng, theo Bộ trưởng, quan trọng là các trường cần cùng chia sẻ, trong 23 trường thí điểm tự chủ, có nhiều trường tốt, cần chia sẻ kinh nhiệm, rút kinh nghiệm cùng phát triển.
Bộ trưởng đề nghị các vụ, cục của Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về tự chủ đại học, làm việc với các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho tự chủ.
Cũng theo Bộ trưởng, các hiệu trưởng, lãnh đạo nhà trường, các cán bộ giảng viên phải cùng ngấm về tự chủ, tạo ra môi trường dân chủ thực hiện tự chủ mới là tự chủ. Bộ sẽ có khung hướng dẫn chung nhưng quan điểm là các trường không ngồi chờ, mà chủ động phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì tại điểm cầu Hà Nội |
Thi THPT quốc gia không thuần túy là công nhận tốt nghiệp hay phục vụ tuyển sinh
Kỳ thi THPT quốc gia là để đánh giá chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông về kiến thức, kĩ năng sau 12 năm học phổ thông. Năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm trước, có tỉnh chỉ đạt 70%, phản ánh dần đến thực chất. Kỳ thi không chỉ thuần túy là công nhận tốt nghiệp, càng không phải chỉ phục vụ xét tuyển ĐH, CĐ mà quan trọng là để đánh giá chất lượng từng môn học, hướng tới giáo dục toàn diện; từ đó, yếu và thiếu ở khâu nào, địa phương nào sẽ có chính sách phù hợp.
Phương thức thi THPT quốc gia, theo Bộ trưởng, sẽ ổn định đến năm 2020, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình cho những năm tiếp theo.
Gửi lời cảm ơn đến các trường ĐH, CĐ đã tham gia tích cực vào công tác tổ chức kỳ thi, Bộ trưởng cho rằng, đây vừa là quyền lợi, đồng thời là trách nhiệm nhiệm xã hội của các trường ĐH; các trường cần coi đây là nhiệm vụ tự thân, vì sự nghiệp chung.
Về xét tuyển, tin tưởng các trường sẽ thực hiện có trách nhiệm các quy định tuyển sinh, thực hiện tốt đề án tuyển sinh, Bộ trưởng nhấn mạnh: Thực hiện tự chủ là một quá trình mình bạch, thực chất, công khai. Trường đã công bố đề án tuyển sinh thì cần thực hiện đúng tuyên bố trong đề án, tránh trường hợp có trường làm tốt, nhưng có trường chưa tốt ảnh hướng tới cả hệ thống. “Yêu cầu thanh tra Bộ, các vụ cục chức năng phải tăng cường quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra” – Bộ trưởng nêu rõ.