Vi phạm quy định tuyển sinh có thể mất quyền tự xác định chỉ tiêu trong 5 năm

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết như vậy tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sáng nay (17/7).

Tự chủ tuyển sinh đi cùng tự chịu trách nhiệm

Cho biết hiện đề án tuyển sinh của một số trường còn chưa chính xác về giảng viên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng đồng thời nhắc đến yêu cầu trong công văn số 2460/BGDĐT-GDĐH, yêu cầu các trường gửi danh sách giảng viên, chi tiết đến số chứng minh nhân dân, chuyên ngành… để dần xây dựng cơ sở dữ liệu giảng viên chuẩn của giáo dục ĐH.

Cũng liên quan đến đề án tuyển sinh, các tổ hợp truyền thống bao quát hầu hết nhu cầu của ngành đào tạo (90% nguyện vọng/5 tổ hơp), theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, các trường không cần đặt ra quá nhiều tổ hơp, trừ các ngành đặc thù. “Thực tế, 133 tổ hợp còn lại chỉ chiếm gần 10% nguyện vọng” – bà Phụng cho hay.

Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cũng nhắc nhở một số trường về đề án tuyển sinh, như: Thông tin về điểm nhận hồ sơ xét học bạ của một số ngành sức khỏe không rõ; thông báo kết quả xét tuyển học bạ trước khi xét tốt nghiệp THPT và nhấn mạnh, các trường phải chịu trách nhiệm giải trình về những việc này…

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng 

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng yêu cầu các trường đăng tải đầy đủ thông tin và trực giải đáp thắc mắc cho thí sinh, đặc biệt từ ngày 22-31/7, khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Đồng thời, rà soát lại đề án tuyển sinh. Theo đó, chỉ tiêu, ngành, tổ hợp xét tuyển; hệ số bài thi/môn thi, mức chênh lệch điểm giữa các tổ hợp, tiêu chí phụ, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có)... phải chính xác với cơ sở dữ liệu đã khai báo trong Hệ thống nghiệp vụ thi và tuyển sinh.

“Trường tự chủ trong công tác tuyển sinh, nếu tuyển vượt chỉ tiêu, trách nhiệm sẽ thuộc về nhà trường và cá nhân liên quan. Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và Quy chế tuyển sinh đã quy định rõ”Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng.

Các trường công bố điểm nhận hồ sơ/ “sàn” xét tuyển của trường trước 22/7; tham mưu cho Bộ GD&ĐT xác định điểm sàn khối sư phạm, sức khoẻ trước 21/7. “Mọi phương thức tuyển sinh đều phải tuân thủ điểm sàn” – bà Phụng nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH lưu ý: Quy trình xét tuyển, lọc ảo sẽ được thực hiện từ 6/8 đến 8/8/2019. Khi đã công bố danh sách trúng tuyển (cùng thang điểm xét tuyển và tiêu chí phụ thì trường không được điều chỉnh danh sách này. Các trường cần cập nhật danh sách thí sinh đã xác nhận nhập học của mọi phương thức xét tuyển, theo đúng cấu trúc dữ liệu và thời gian quy định. Kết quả tuyển sinh sẽ chốt vào ngày 31/12.

Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sáng nay (17/7).
 Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sáng nay (17/7). 

Công khai để cả xã hội giám sát

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Bộ GD&ĐT sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, danh sách thí sinh nhập học các trường năm 2018 và năm 2019 trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để người học và xã hội giám sát; thực hiện hậu kiểm đối với các tất cả trường.

Cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý: trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính theo quy định, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức…; bị phạt hành chính, thậm chí hình sự tùy theo mức độ sai phạm.

Đưa ra khuyến nghị trong công tác tuyển sinh, bà Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý đến việc tự chủ tuyển sinh, đảm bảo chất lượng, trách nhiệm với người học và xã hội. Các trường sư phạm tham mưu với UBND tỉnh rà soát lại nhu cầu đào tạo giáo viên các cấp học, ngành học… theo chương trình giáo dục phổ thông mới mới để làm cơ sở xác định chỉ tiêu sư phạm những năm sau...

Gợi ý vấn đề thảo luận tại hội nghị, bà Phụng nhắc đến những điểm thành công cần tiếp tục phát huy và những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác coi thi, chấm thi 2019; xu hướng đa dạng hoá phương thức tuyển sinh và các biện pháp quản lý chất lượng; các giải pháp đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH cho các ngành Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn; tư vấn cho Bộ GD&ĐT về chỉ tiêu, điểm sàn sư phạm và những biện pháp để thu hút học sinh giỏi vào học sư phạm; những vấn đề cần tiếp tục thống nhất trong Quy chế tuyển sinh và giải pháp để đảm bảo chất lượng tuyển sinh, chất lượng giáo dục; chủ trương, giải pháp công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng…

Một số thông tin về tuyển sinh năm 2019:

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý các trường nếu tuyển sinh nhiều phương thức, cần:

Xác định tỷ lệ phù hợp để đảm bảo chất lượng đầu vào;

Thống kê điểm thi THPT quốc gia của các em trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển khác; so sánh điểm trung bình chung thi THPT quốc gia của các phương thức xét tuyển khác nhau;

Nghiên cứu so sánh chất lượng quá trình học tập, tốt nghiệp, việc làm… của các sinh viên vào học theo các phương thức tuyển sinh khác nhau

Có phương án chủ động tuyển sinh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho các năm sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ