Xã đạt chuẩn nông thôn mới ở Lai Châu: Học sinh bỏ trường về bản

GD&TĐ - Không còn chế độ, nhiều học sinh thuộc diện bán trú tại các trường trên địa bàn xã biên giới Thu Lũm, huyện Mường Tè đã quay về bản.

Nhiều học sinh quay trở về bản khi không còn được hưởng chế độ bán trú. Ảnh: TG
Nhiều học sinh quay trở về bản khi không còn được hưởng chế độ bán trú. Ảnh: TG

Cùng với việc tuyên truyền, giáo viên đã phải “tức tốc” về bản mở lớp, tìm trò để dạy học.

Bình mới, rượu cũ…

Thu Lũm là xã nghèo, biên giới của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã chỉ đạt 1/19 tiêu chí. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Toàn xã có tới 33,45% hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người ở xã chỉ đạt 8 triệu đồng/người/năm.

Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở Thu Lũm đã thay đổi đồng bộ, tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao hơn trước.

Đến nay, Thu Lũm là xã biên giới đầu tiên của huyện Mường Tè hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là xã đạt chuẩn NTM năm 2020. Toàn xã có 9 bản, 503 hộ, trên 2.503 nhân khẩu. Trong đó, dân tộc Hà Nhì chiếm trên 81%. Tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 36 triệu đồng/người/năm. Xã còn 60 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 12%. Ở đây có 2/3 trường đạt chuẩn quốc gia, đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi…

Trung tuần tháng 9, chúng tôi đến Thu Lũm, những ngôi nhà mái tôn xanh, đỏ khang trang như một minh chứng cho những đổi thay trên mảnh đất biên viễn này. Thế nhưng, toàn xã vẫn còn có 4 bản khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao gồm: Á Chè, Là Si, U Ma, Coòng Khà.

Trường PTDTBT THCS Thu Lũm vẫn sẵn sàng nấu ăn cho học sinh bán trú. Ảnh: TG
Trường PTDTBT THCS Thu Lũm vẫn sẵn sàng nấu ăn cho học sinh bán trú. Ảnh: TG

Ông Phùng Lòng Kà - Chủ tịch UBND xã Thu Lũm - cho biết: Đời sống của người dân tại 4 bản vẫn rất khó khăn, đặc biệt là đồng bào La Hủ tại bản Là Si. Ở đây, nhận thức của người dân còn hạn chế. Bà con lại chưa bỏ được tập quán du canh du cư, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực hàng năm, phải nhờ vào trợ cấp của Nhà nước.

Tại bản U Ma, đời sống người Dao có phần đỡ hơn. Nhưng mấy năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thảo quả mất giá, không xuất bán được nên người dân cũng không khấm khá.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Thu Lũm, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861/QĐ/2021, các xã khu vực III, khu vực II được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ được xác định là xã khu vực I. Cùng với đó là việc thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II. Điều này đã tác động không nhỏ đến đời sống, xã hội của người dân. Đặc biệt là chính sách đối với học sinh bán trú.

Khi được hỏi, nhiều người dân thừa nhận NTM đã đem đến diện mạo khởi sắc cho xã Thu Lũm trong phát triển kinh tế, xã hội. Việc dừng hỗ trợ các chính sách đối với người dân là điều sớm muộn nên làm. Song thực tế, bức tranh NTM ở xã vùng biên này vẫn còn những mảng “sáng – tối”. Ở thời điểm này và nhất là tại những bản đặc biệt khó khăn của xã Thu Lũm, người dân vẫn cần thời gian để “thích ứng” với việc không còn được hưởng chế độ, chính sách.

Lớp ghép 3+4 tại điểm bản Pa Thắng. Ảnh: TG
Lớp ghép 3+4 tại điểm bản Pa Thắng. Ảnh: TG

Giáo viên theo trò về bản

Năm học này, Trường PTDTBT THCS Thu Lũm có 218 học sinh. Trong đó, dự kiến có 175 học sinh bán trú. Khi có Quyết định 861, một số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số không còn được hỗ trợ các chính sách theo Nghị định 116, Nghị định 86, Nghị quyết 57... Bởi thế, đa số học sinh bán trú bỏ học về bản.

Thầy Đinh Ngọc Linh - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Tuần học đầu tiên, trường có đến 100 em thuộc diện bán trú bỏ học về bản. Trước thực trạng đó, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về chế độ, chính sách do Nhà nước quy định.

Sau nhiều ngày vận động, tuyên truyền, nhiều học sinh đã quay trở lại trường. Phụ huynh đồng ý đóng góp tiền ăn cho con em. Đến tuần học thứ 3 sau ngày khai giảng, vẫn còn khoảng 40 học sinh chưa trở lại trường. Đó là học sinh tại các bản Là Si và U Ma.

Diện mạo nông thôn tại xã vùng biên Thu Lũm có nhiều khởi sắc. Ảnh: TG
Diện mạo nông thôn tại xã vùng biên Thu Lũm có nhiều khởi sắc. Ảnh: TG

“Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để thời gian tới không có học sinh bỏ học về bản. Đồng thời, vận động phụ huynh đóng góp tiền ăn. Cơ sở vật chất, nhà bán trú vẫn còn đó, sẵn sàng phục vụ học sinh ở bán trú khi quay trở về trường”, thầy Linh chia sẻ.

Tương tự, Trường PTDTBT Tiểu học Thu Lũm đón 273 học sinh. Nhà trường có 1 điểm trường trung tâm với 10 lớp học và 4 lớp ở các điểm bản. Trong đó, có 144 học sinh về ăn, ở bán trú tại trường.

Tuy nhiên, theo thầy Lỳ Xừ Po, Hiệu trưởng nhà trường, không còn được hưởng chế độ, toàn bộ các em thuộc diện bán trú đã quay trở về bản. Sau 1 tuần vận động, học sinh vẫn không ra trung tâm học, nên nhà trường lên phương án mở các lớp ở điểm bản để dạy học.

Do học sinh về bản nhiều nên điểm trường trung tâm chỉ còn 6/10 lớp. Còn tại các điểm bản, số lớp đã nâng lên thành 10 (tăng 6 lớp so với kế hoạch). Trong đó, có 8/10 lớp ghép 1+2 và 3+4.

Thực tế trên đã dẫn đến những bất cập, trung tâm thì thừa cơ sở vật chất nhưng lại thiếu học sinh. Còn ở các điểm bản lẻ thì ngược lại. Cực chẳng đã, nhà trường buộc phải mở lớp ghép. Đơn cử như bản Là Si, tại đây học sinh có đủ các khối lớp, từ 1 - 5. Nên có mở lớp ghép cũng cần tối thiểu 3 giáo viên. Việc tăng số lớp ở điểm bản dẫn đến tình trạng thiếu 9 giáo viên giảng dạy so với nhu cầu thực tế.

Là giáo viên chủ nhiệm lớp ghép 3+4 tại điểm trường Pa Thắng (Trường PTDTBT Tiểu học Thu Lũm), thầy Chu Lỳ Phạ chia sẻ: “Ở điểm bản, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Giáo viên dạy 2 lớp trong tiết dạy cũng gặp nhiều khó khăn. Tôi phải chia các cháu thành 2 hướng. Ví dụ như, khi cho lớp 3 học tiếng Việt thì lớp 4 làm Toán. Việc áp dụng công nghệ thông tin gần như không thể thực hiện, dẫn đến các phương pháp và hoạt động tổ chức dạy học chưa được nhịp nhàng”. 

“Dạy học ở điểm bản, đặc biệt là các lớp ghép gặp phải nhiều khó khăn. Chúng tôi yêu cầu giáo viên làm quen với việc dạy lớp ghép. Tuy nhiên, chủ yếu tập trung duy trì chất lượng tối thiểu, khó nâng cao được chất lượng học giáo dục mũi nhọn”, thầy Lỳ Xừ Po cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.