Tìm giải pháp cho thực tế khó khăn
Theo Sở GD&ĐT Hà Giang, khi thực hiện tiêu chí về trường học trong xây dựng nông thôn mới, khó khăn đầu tiên chính là vấn đề kinh phí xây dựng các trường học chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, các trường học tại các xã xây dựng đã lâu, hiện nay đã xuống cấp, kinh phí sửa chữa hạn hẹp. Hầu hết các trường thiếu phòng bộ môn, phòng thiết bị thí nghiệm đã cũ, trang thiết bị dạy học chưa được bổ sung kịp thời...
Khó khăn về kinh phí chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước cũng khó trông đợi vào công tác xã hội hóa GD, bởi phát triển XHH GD còn rất hạn chế tại địa phương này.
Chính vì vậy, tại Hà Giang nhiều trường vẫn còn phòng học tạm, thiếu nhà đa năng, phòng bộ môn, thậm chí thiếu cả khu văn phòng, phải sử dụng phòng làm việc để làm kho chứa sách và thiết bị, thiếu tường rào, sân chơi. Nhiều trường thiếu về diện tích sử dụng theo quy định của tiêu chí do không có mặt bằng.
Để từng bước tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở GD thuộc xã nông thôn mới và các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, một số giải pháp đã được đưa ra, nhằm phục vụ công tác giảng dạy học tập của các nhà trường.
Sở GD&ĐT Hà Giang cho biết địa phương này trong những năm qua đã ưu tiên đầu tư cho các trường THCS chưa có phòng học ngoại ngữ và phòng tin học. Với mục tiêu trang cấp phòng học ngoại ngữ đa năng đáp ứng nhu cầu vừa học ngoại ngữ vừa học tin học.
Hàng năm ngành GD&ĐT địa phương đã tiến hành rà soát về cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học trên địa bàn các xã trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới và các xã kế cận hoàn thành xã nông thôn mới những năm tiếp theo.
Tập trung các nguồn lực để xây dựng các Trường học đạt chuẩn Quốc gia theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đầu tư có trọng điểm và dứt điểm tránh dàn trải.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn hướng dẫn cho hiệu trưởng các trường học cách tự kiểm tra, đánh giá, xây dựng hồ sơ, minh chứng để công nhận đạt chuẩn 2 tiêu chí GD.
Chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực tham mưu với cơ quan quản lý các cấp, các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, tới nhân dân để mọi người hiểu và cùng tham gia đóng góp ngày công, vật chất để thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị đạt chuẩn quốc gia.
Kết quả bước đầu
Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay Hà Giang có số 78/213 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia (đạt tỉ lệ: 36,61 %); 71/174 trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia (40,8%); 52/154 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia (33,76%); 6/22 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia (27,27%).
Năm 2019, Ngành GD&ĐT Hà Giang đã được UBND tỉnh phân bổ kinh phí 3.763.840.000đ, để mua sắm thiết bị phòng học ngoại ngữ cho 8 trường học, tại 5 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngành GD&ĐT cho biết thời gian tới Hà Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, quan tâm đầu tư kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình GD miền núi, tạo điều kiện cho Hà Giang tiếp tục nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngành GD&ĐT tỉnh này cũng mong muốn được quan tâm đầu tư giúp đỡ kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học, cải thiện đời sống GV, nhất là quan tâm làm nhà công vụ cho GV, nhà lưu trú cho HS ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.