Bức xúc đến mức nào để phải đưa nhau lên mạng xã hội?
Phụ huynh bức xúc vì nhà trường yêu cầu đóng những khoản tiền ngoài quy định; phụ huynh không hài lòng với cách ứng xử với HS của GV, lãnh đạo nhà trường... Thay vì trao đổi, đối thoại trực tiếp, ngày càng nhiều phụ huynh, HS đưa các sự việc trong trường học lên mạng xã hội, nhằm giải tỏa bức xúc và chấp nhận “mở toang cửa” cho mọi người cùng biết. Nhiều sự việc sai- đúng từ trong trường học đã được cơ quan chức năng biết đến và can thiệp (nhờ chính thông tin, hình ảnh phụ huynh đưa lên mạng xã hội). Tuy nhiên, có những thông tin phụ huynh phản ánh lên mạng về GV, nhà trường, sau đó lại phải “đính chính”, minh oan cho GV, nhà trường, vì thông tin chưa chính xác.
Tại sao phụ huynh bức xúc đến mức phải tìm đến mạng xã hội? Theo bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thực chất mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội phải hết sức mật thiết, gắn bó trong sự nghiệp GD. Thời gian vừa qua, mối quan hệ này cũng có phần lỏng lẻo so với yêu cầu, mong muốn.
Khi thấy có vấn đề không thỏa đáng phụ huynh có thể phản ánh, nhưng bà Ngô Thị Minh cho rằng, với những sự việc căng thẳng, phụ huynh “không nên đẩy tất cả lên mạng xã hội khi mọi chuyện chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Đưa thông tin phản ánh về GV, nhà trường lên mạng xã hội một cách vội vàng, vô hình chung phụ huynh có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Mặt khác, do phụ huynh phản ánh thông tin tiêu cực về GV, nhà trường, HS biết được sẽ không có sự tôn trọng các thầy cô, từ đó hiệu quả GD có thể bị đi ngược hướng”.
Theo bà Minh, nếu sự việc mới dừng ở sơ xuất của GV, nhà trường, không gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến HS, phụ huynh cũng cần có sự góp ý phù hợp.
“Ngay về các khoản tiền đóng góp ở nhà trường, nếu GV, nhà trường hiểu hoàn cảnh của những gia đình không có điều kiện đóng góp, phụ huynh hiểu mục đích chính đáng của việc đóng góp, các HS trong lớp cũng hiểu và chia sẻ khó khăn - thuận lợi với nhau... Tất cả sẽ không trở thành nghiêm trọng khiến phụ huynh mang bức xúc lên mạng xã hội. Đó chính là kỹ năng ứng xử của GV, nhà trường, cán bộ lớp, HS và phụ huynh. Góp ý tích cực là nên đi theo chiều hướng cảm thông và thấu hiểu, không nên việc gì cũng đưa lên mạng xã hội”, bà Ngô Thị Minh nhận xét.
Lắng nghe và chia sẻ một cách văn minh
Được đào tạo về sư phạm, trong công việc tiếp xúc với nhiều chuyên gia tâm lý, giáo dục, bà Nguyễn Hồng Minh (công tác tại VTV7, phụ huynh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) chia sẻ sự khó khăn để “chinh phục” HS và phụ huynh của GV: “Thực ra đôi lúc GV phải “hạ mình xuống”, để mỗi khi bước vào lớp, khi xử lý các tình huống sư phạm GV có thể: Nhẫn, nhịn, nén. Nếu GV không làm được như thế, “quả bom” ức chế có lúc nổ tung ra. “Hạ mình xuống” nghĩa là hạ cái tôi của mình xuống, để nén nhịn cá tính mạnh của một HS nào đó, nén nhịn sự bực tức của phụ huynh khi không hài lòng về sai sót của GV, để lựa chọn thời điểm lắng nghe và chia sẻ. Đôi khi phải chấp nhận cả những hy sinh, nhận khó khăn về phía mình thì người GV mới hoàn thành được nhiệm vụ”.
Bà Ngô Thị Minh nhận định: “GD đang phát triển, không thể có được sự hoàn hảo ở tất cả GV, các nhà trường. Mọi sự góp ý của phụ huynh nên xuất phát từ sự chân thành. Phụ huynh muốn góp ý cho GV, nhà trường, nhưng đôi lúc chưa có được tiếng nói chung. Trong khi, hoạt động GD và ứng xử của GV và nhà trường đôi lúc cũng có những sai sót, do phương pháp, do kỹ năng, sẩy một li đi một dặm”.
GD đang phát triển, không thể có được sự hoàn hảo ở tất cả GV, các nhà trường. Mọi sự góp ý của phụ huynh nên xuất phát từ sự chân thành. Phụ huynh muốn góp ý cho GV, nhà trường, nhưng đôi lúc chưa có được tiếng nói chung. Trong khi, hoạt động GD và ứng xử của GV và nhà trường đôi lúc cũng có những sai sót, do phương pháp, kỹ năng, sẩy một li đi một dặm.
Vì vậy, nhà giáo muốn được xã hội tôn trọng, muốn nâng cao được vị thế của người thầy, rõ ràng phải chú trọng đến những ý kiến góp ý của phụ huynh và HS. “Phụ huynh và HS có mong muốn được góp ý với GV, nhà trường, chính những hòm thư góp ý hay các hình thức góp ý khác cần được nhà trường quan tâm.
Làm sao để sau những góp ý của phụ huynh không có sự trù dập HS”, bà Ngô Thị Minh nêu. “Để GD một HS trở thành công dân tốt, rõ ràng gia đình cần phải có sự cộng tác chặt chẽ với nhà trường. Có những vấn đề gì trong GD, điều hành hoạt động của nhà trường phụ huynh thấy chưa phù hợp với mục tiêu GD chung, phụ huynh nên có sự trao đổi trực tiếp với nhà trường”.
Bà Ngô Thị Minh cũng lưu ý rằng: “Việc đưa các vấn đề giữa phụ huynh với GV, nhà trường lên mạng xã hội cần hết sức thận trọng. Rất cần sự đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, nhưng mọi sự góp ý giữa phụ huynh với GV, nhà trường cũng nên thể hiện sự văn minh, văn hóa và nhất là phải biết chia sẻ, cảm thông”.
“Nếu có sự minh bạch, GV và nhà trường sẽ không bị phụ huynh đưa lên mạng xã hội. Bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội là quyền tự do của mỗi người. Khi phụ huynh đã phải lựa chọn cách ứng xử như vậy, cũng phải xem lại việc góp ý (qua các hình thức khác) nếu được tôn trọng ngay từ đầu, có lẽ phụ huynh không phải đưa lên mạng xã hội”, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận xét.
“Cần phải biết cách ứng xử ngay cả trong đời thực và trên mạng xã hội. Mạng xã hội là một kênh thông tin được quan tâm, nhưng không nên tuyệt đối hóa nó. Đấu tranh cho lẽ phải trên mạng xã hội tốt nhất là phải đưa thông tin với thái độ tích cực. Hàm lượng thông tin tích cực cần phải nhiều hơn. Với mạng xã hội, hôm nay “anh” là người quan sát, nhưng ngày mai “anh” có thể là nạn nhân. Nếu nhận thức được vị trí của mạng xã hội sẽ ứng xử phù hợp khi đưa các thông tin lên đó”.