Cụ thể theo thông tư phải tổ chức cách ly y tế đối với 9 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm B là: Bạch hầu, ho gà, sởi, rubella, than, viêm màng não do mô cầu, chân tay miệng, thủy đậu, quai bị.
Việc giám sát bệnh, dịch truyền nhiễm sẽ được thực hiện đối với các đối tượng: Người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm.
Nội dung giám sát bao gồm tên tuổi, giới, nghề nghiệp, điện thoại liên lạc, địa chỉ nơi sinh sống, nơi học tập, làm việc; địa điểm và thời gian mắc, khởi phát bệnh; diễn biến bệnh, triệu chứng, chẩn đoán và quá trình điều trị, cơ sở y tế chăm sóc, điều trị trước khi mắc bệnh.
Bên cạnh đó là tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Ổ chứa, trung gian truyền bệnh và các yếu tố nguy cơ.
Giám sát bệnh, dịch truyền nhiễm được thực hiện dưới 2 loại hình là giám sát dựa vào chỉ số và giám sát dựa vào sự kiện.
Giám sát dựa vào chỉ số được thực hiện thông qua việc thu thập thông tin về các bệnh truyền nhiễm, bao gồm giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm.
Giám sát dựa vào sự kiện là việc thu thập các thông tin, sàng lọc, xác minh các dấu hiệu cảnh báo từ nguồn tin của cộng đồng, mạng xã hội…
Bộ Y tế đề nghị Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chủ động và chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND xã để tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng, chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.
Đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B có số mắc của xã hoặc huyện cao (số mắc trung bình của tuần hoặc tháng cùng kỳ của 3 năm gần nhất không tính số liệu của năm có dịch) hoặc có trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chủ động và chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND huyện để tổ chức triển khai các hoạt động đáp ứng phòng chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.