Nghiên cứu khoa học ở Nam Cực mùa dịch bệnh khác biệt thế nào?

GD&TĐ - Nghiên cứu Nam Cực là hoạt động rất quan trọng nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, phần lớn các nhà khoa học không thể đến lục địa này vào mùa sắp tới vì dịch bệnh. Sự cẩn trọng này là cần thiết, bởi vì cho đến nay, Nam Cực là lục địa duy nhất không có trường hợp mắc Covid- 19.

Trạm nghiên cứu Casey của Australia tại Nam Cực.
Trạm nghiên cứu Casey của Australia tại Nam Cực.

Những biện pháp an toàn

Mùa hè bận rộn ở Nam Cực bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài đến tháng 2 sang năm, khi hàng nghìn nhà khoa học từ hàng chục quốc gia mang ba lô đến các trạm nghiên cứu ở lục địa này. Hiện nay, có 40 căn cứ thường trực nằm rải rác trong khung cảnh hoang vắng, con số này sẽ tăng gần gấp đôi, khi các cơ sở chỉ dành cho mùa hè hoạt động trở lại. Tuy nhiên, năm nay việc đến lãnh địa khoa học băng giá phải hết sức quan tâm đến thực trạng: Nam Cực đang là lục địa duy nhất không có một trường hợp Covid-19 nào được báo cáo.

Dịch vụ chăm sóc y tế tại các trạm nghiên cứu còn hạn chế và cuộc sống như ở ký túc xá khiến dịch bệnh dễ lây lan. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc giảm số lượng các nhà khoa học trên lục địa này đồng nghĩa với giảm thiểu nguy cơ lan truyền virus, nhưng nó cũng làm gián đoạn các nghiên cứu cấp thiết.

Các nhà khoa học làm việc tại Nam Cực ngoài việc dùng kính thiên văn khám phá bầu trời https://www.nationalgeographic.org/photo/7sp-telescope/, tìm kiếm các hạt cơ bản, còn nghiên cứu một số loài động vật đặc biệt nhất hành tinh. Họ cũng nghiên cứu các bọt khí từ thời cổ đại bị kẹt trong băng để tìm hiểu lịch sử Trái đất, đồng thời theo dõi lớp băng tan và sự ấm lên ở Nam Đại Dương (Southern Ocean) để dự báo những gì có thể xảy ra trên hành tinh trong tương lai. Nhưng trong mùa nghiên cứu này, hầu hết các nhà khoa học sẽ phải làm các công việc xa Nam Cực, dựa vào các cảm biến từ xa và khối lượng lớn dữ liệu, mẫu được thu thập trong những năm trước.

Các quốc gia có trạm nghiên cứu ở Nam Cực hiện ra sức ngăn chặn virus Corona đến nơi này. Hội đồng Quản lý các Chương trình quốc gia ở Nam Cực (COMNAP) và 30 thành viên đang điều phối việc cắt giảm nhân sự. Tất cả các chương trình sẽ giảm nhóm làm việc của họ với những mức độ khác nhau, như

Australia và Đức là 50%, New Zealand là 66%. Mỹ không chia sẻ thông tin điều chỉnh, nhưng các thông cáo báo chí gần đây cho biết, số lượng nhân sự mà họ triển khai là “có giới hạn”, bảo đảm an toàn.

Bằng cách giảm quy mô nhóm, các chương trình có thể bảo đảm tốt hơn chế độ cách ly và kiểm tra nghiêm ngặt vì các xét nghiệm tốn kém và cần một thời gian mới có kết quả. Việc hạn chế nhân sự tại các trạm cũng giúp bảo đảm ít người bị phơi nhiễm, nếu virus không bị phát hiện do xét nghiệm bị lỗi.

Một số thành phố ở Nam bán cầu là điểm dừng để đến Nam Cực cũng được lưu ý trong mùa dịch bệnh này. Nhóm nghiên cứu của Đức thường bay qua Cape Town, Nam Phi, quốc gia hiện đã báo cáo hơn nửa triệu ca nhiễm virus Corona, năm nay sẽ phải di chuyển trên tàu tiếp tế Polarstern của họ. Mỹ vẫn sẽ bay đến Christchurch, New Zealand, nơi các nhà khoa học phải trải qua các khóa huấn luyện, được trang bị đồ chống lạnh, trước khi đến căn cứ McMurdo và Scott cùng với nhóm của New Zealand. Hai nước đang thực hiện một quy trình kiểm dịch để loại Covid-19 khỏi Christchurch khi các nhà khoa học Mỹ đến và đi.

Khi các đội đến Nam Cực, các chương trình có thể kiểm tra những người mới đến hoặc yêu cầu họ phải giãn cách xã hội. Tất cả mọi người trên lục địa này phải được xác nhận là không có virus. Nếu biểu hiện các triệu chứng, họ sẽ được cách ly, xét nghiệm và nếu dương tính, sẽ được nhanh chóng đưa ra khỏi lục địa. 

Duy trì hoạt động thế nào?

Các nhà khoa học nghiên cứu trong môi trường khắc nghiệt của Nam Cực .
Các nhà khoa học nghiên cứu trong môi trường khắc nghiệt của Nam Cực .

Các chương trình nghiên cứu ở Nam Cực dự kiến sẽ bị gián đoạn ở một mức độ nào đó hằng năm do bão, băng trên biển và các vấn đề thiết bị, nhưng các nhóm nghiên cứu chưa bao giờ hủy bỏ những dự án trên quy mô như thế này. Hầu hết các chương trình hợp tác quốc tế, thí nghiệm mới và điều tra thực địa, như gắn thẻ chim cánh cụt, thu thập mẫu đã bị tạm dừng. Tuy nhiên, những người quản lý chương trình cho biết, họ không thể hủy hoàn toàn mùa nghiên cứu của mình.

Với một vài ngoại lệ đối với các dự án thăm dò, như chuyến hải hành khoa học của Australia nhằm nghiên cứu loài nhuyễn thể ở vùng biển Đông Nam Cực, các chương trình quốc gia về Nam Cực đang giới hạn các hoạt động chủ yếu và sử dụng dữ liệu có từ trước để phục vụ nghiên cứu.

Tại Căn cứ Scott của New Zealand, các dữ liệu lâu đời nhất đã được thu thập từ khi thành lập vào năm 1957. Những bộ dữ liệu này từ các trạm thời tiết, khảo sát sinh thái và nơi neo đậu có từ hơn 60 năm trước sẽ giúp các nhà khoa học theo dõi sự biến đổi trong thời gian dài của khí hậu Nam Cực.

Năm nay sẽ là một đợt vận hành thử để kiểm tra biện pháp phòng ngừa của các chương trình Nam Cực. Nếu các nhóm cách ly nghiêm túc, khỏe mạnh và an toàn trong mùa này, họ có thể mở rộng quy mô các cuộc thám hiểm lớn hơn với nhiều nhà khoa học hơn vào năm tới, ngay cả khi Covid-19 vẫn là một mối đe dọa.

Sarah Williamson, Giám đốc điều hành của chương trình Nam cực New Zealand, cho biết, vì nghiên cứu ở Nam Cực rất quan trọng đối với diễn biến khí hậu của hành tinh nên sức khỏe của các nhà khoa học và nhân viên được đặt lên hàng đầu.

Nam Cực là lục địa lạnh nhất, khô nhất và nhiều gió nhất trên Trái đất. Nhà thám hiểm địa cực Sir Douglas Mawson gọi nơi này là “xứ sở đáng nguyền rủa”, trong khi Robert Falcon Scott, người thứ hai đến được Nam Cực, đã nhận xét “Đây là một nơi thật kinh khủng”. Một trăm năm sau cuộc thám hiểm của họ, ở đây có rất ít thay đổi, mặc dù con người đã xây dựng nhiều công trình, đảm bảo cung cấp nước, xử lý nước thải và các hệ thống ngăn ngừa nguy cơ hỏa hoạn, rò rỉ khí.  
Theo Nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ